Quan hệ Mỹ-Australia: Sẽ 'đường ai nấy đi' vì BRI?

Theo Ngoại trưởng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể “đơn phương ngắt kết nối” với Australia, nếu thỏa thuận về BRI được ký kết giữa bang Victoria với Trung Quốc gây ảnh hưởng tới viễn thông Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang tin news.com.au của Australia vừa đăng tải thông tin Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse vừa truyền tải lời cảnh báo từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể “đơn phương sẽ ngắt kết nối” với Australia, nếu thỏa thuận liên quan tới Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) được ký kết giữa bang Victoria (Australia) với Trung Quốc gây ảnh hưởng tới lĩnh vực viễn thông của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Culvahouse nhấn mạnh Mỹ tin tưởng rằng đồng minh của mình sẽ có thể bảo vệ an ninh mạng viễn thông quốc gia, cũng như các nước đối tác tình báo.

Ông nói phía Mỹ không biết chi tiết về nội dung thỏa thuận giữa bang Victoria và Trung Quốc và hiểu rằng đây là một vấn đề thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang Australia.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận đó là một sáng kiến về lĩnh vực viễn thông, nó có khả năng sẽ tạo ra rủi ro cho tính toàn vẹn của hệ thống mạng viễn thông giữa Australia và Mỹ.

Do vậy, Washington sẽ xem xét kỹ trường hợp này và có thể hành động như những gì mà Ngoại trưởng Pompeo đã cảnh báo.

Đại sứ Culvahouse khẳng định Mỹ tin tưởng Australia, với tư cách là đồng minh thân thiết và là đối tác của Nhóm tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes), sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho các mạng viễn thông quốc gia.

Theo truyền thông Australia, lời cảnh báo của Ngoại trưởng Pompeo được đưa ra trong một cuộc họp báo ở Washington ngày 24/5 vừa qua.

Ông Pompeo nhận định thỏa thuận mà bang Victoria ký kết sẽ làm tăng nguy cơ “gây hại” của Trung Quốc, ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác chia sẻ thông tin tình báo trong Nhóm Five Eyes.

[Mỹ bày tỏ tin tưởng Australia có thể đảm bảo an ninh viễn thông]

Mạng lưới Five Eyes là một liên minh 5 quốc gia chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo, bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

Từ năm 2018, các thành viên của Five Eyes đã lần lượt ban hành lệnh ngăn chặn và hạn chế sự tham gia của gã khổng lồ công nghệ Huawei, tập đoàn trực thuộc nhà nước Trung Quốc, vào công tác xây dựng mạng viễn thông 5G tại mỗi quốc gia.

Gần đây nhất, ngày 23/5 vừa qua, tờ Daily Telegraph đưa tin Anh, thành viên cuối cùng trong Five Eyes, cũng quyết định thu hẹp sự tham gia của Huawei vào mạng viễn thông 5G, mặc dù đầu năm nay tập đoàn này đã được Thủ tướng Boris Johnson “bật đèn xanh.”

Liên quan tới ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ, trả lời kênh truyền hình địa phương cùng ngày, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews nêu rõ quan điểm của ông đối với thỏa thuận này rất rõ ràng, đó là nhằm mục tiêu tạo ra các cơ hội việc làm và kinh doanh cho người dân địa phương. Ông khẳng định chính quyền bang sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác tốt. 

Mặc dù vậy, ông Andrews cũng cho biết điều đó không có nghĩa là chính quyền bang Victoria sẽ đồng ý đối với tất cả mọi vấn đề.

Ông nói có rất nhiều điều mà bang Victoria không nhất trí, nhưng mấu chốt của tất cả, đối với cả bang Victoria, Australia và Trung Quốc, đó là có được một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, vì lợi ích của mọi người dân.

Một thỏa thuận bí mật

Thỏa thuận bí mật giữa bang Victoria và Trung Quốc được ký kết dưới dạng biên bản ghi nhớ lần đầu tiên vào tháng 10/2018, bất chấp sự phản đối liên tục từ Canberra.

Hiện hai bên đang bước vào giai đoạn cuối cùng để hoàn tất thỏa thuận dù trước đó chính phủ liên bang đã khẳng định đây không phải là lợi ích tốt nhất dành cho Australia.

Theo truyền thông Xứ chuột túi, thỏa thuận ký kết giữa bang Victoria và Trung Quốc sẽ cho phép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhanh chóng tham gia các dự án cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi của bang này.

Một số người tỏ ra lo ngại rằng điều đó sẽ dẫn đến sự can thiệp chính trị tại Australia, khi Trung Quốc “vươn mình” trở thành một cường quốc đang nổi lên trên toàn cầu.

Thực tế, quốc gia lớn nhất châu Đại Dương, cùng với rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới, đã cảm thấy “sức nóng” từ Trung Quốc trong vài tuần gần đây, sau khi Canberra lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Tuần trước, Trung Quốc đã chính thức áp thuế hơn 80% đối với hàng lúa mỳ xuất khẩu của Australia, ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến thịt từ nước này, đặt ra các yêu cầu hải quan mới áp dụng với quặng sắt nhập khẩu, đồng thời được cho là đã ra lệnh cho các nhà máy điện của Trung Quốc “quay lưng lại” với than của Australia.

Hãng truyền thông Bloomberg đưa tin Trung Quốc thậm chí chuẩn bị tăng cường thêm “một bản danh sách đen” về các sản phẩm của Australia.

Quan hệ Mỹ-Australia: Sẽ 'đường ai nấy đi' vì BRI? ảnh 1Thịt bò Australia được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, tờ The Age của Australia tiết lộ có thể các nhà sản xuất lớn thuộc bang Victoria đã được "đặc cách" thoát khỏi lệnh cấm thương mại và thuế quan của Trung Quốc.

Năm 2019, thương mại hàng hóa hai chiều giữa bang Victoria và Trung Quốc đạt 30,7 tỷ AUD (tương đương gần 20 tỷ USD), tăng hơn 60% kể từ năm 2014.

Người phụ trách ngân khố bang Victoria Tim Pallas đã lên tiếng chỉ trích hành động thúc đẩy cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch của Canberra và gọi đây là “sự phỉ báng” Bắc Kinh.

Trong khi đó, tờ The Australian đưa tin Văn phòng Thủ hiến và Nội các bang Victoria từ chối tiếp nhận lời khuyên an ninh quốc gia mà họ nhận được trước khi ký kết sáng kiến với Trung Quốc.

Họ cũng tránh các câu hỏi liên quan tới gói cứu trợ COVID-19 riêng của bang, trị giá tới 24 tỷ AUD (khoảng 15,6 tỷ USD), rằng liệu số tiền đó có phải được tài trợ bởi một khoản vay từ Trung Quốc hay không.

Phó Chủ tịch Công đảng đối lập Richard Marles mới đây nhất lên tiếng kêu gọi chính quyền bang Victoria cần minh bạch về nguồn tiền “vay mượn.”

“Đó là một bẫy nợ”

Trung Quốc đã phải đối mặt với cáo buộc cho rằng BRI là một chiến lược “bẫy nợ”, khiến các quốc gia nghèo hơn phải vay những khoản nợ mà họ không có khả năng chi trả.

Trong lúc các thỏa thuận tạo điều kiện cho những khoản vay cơ sở hạ tầng giá rẻ từ Trung Quốc, khi các nền kinh tế nghèo hơn bị vỡ nợ, Trung Quốc đã thực hiện việc chiếm đất như những gì đã xảy ra ở Tajikistan và Sri Lanka.

Cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và các quốc gia Tây Âu, Australia cũng từng bày tỏ quan ngại về sáng kiến này.

Trong một bài phỏng vấn với đài BBC, chuyên gia về Trung Quốc Tom Miller cho biết sáng kiến có thể được mô tả như một “khoản hối lộ khổng lồ,” trong đó Trung Quốc hứa hẹn sẽ đầu tư, để đổi lấy sự nhượng bộ chính trị. Trong đó, ví dụ rõ ràng nhất là việc Lào đã bị tước mất một nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể để đổi lấy 7 tỷ USD đầu tư vào đường sắt.

Trả lời trang news.com.au của Australia, chuyên gia thuộc Viện Trung Quốc SOAS, Tiến sỹ Yuka Kobayashi nói BRI là một phần trong âm mưu của Trung Quốc cố gắng khẳng định vị thế là một cường quốc đang nổi lên trên thế giới.

Tiến sỹ Kobayashi nhận định sự tập trung vào kinh tế cũng là một phần ý định của Trung Quốc “cố gắng thể hiện bản thân theo cách có thể chấp nhận được” đối với các quốc gia khác.

Sáng kiến đưa ra dưới hình thức hai bên cùng có lợi, có mục đích khiến các đối tác tin rằng nó không phải là một mối đe dọa. Tuy nhiên, thật khó tin rằng không có một mối đe dọa nào tồn tại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục