Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Đề án "Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị," giai đoạn 2018-2023.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa và đã có từ lâu ở các tỉnh Trung Bộ.
Ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Quảng Trị, bài chòi là một trò chơi dân gian ra đời từ lâu. Trước năm 1945, ở hầu hết các làng quê tỉnh Quảng Trị đều tồn tại một hình thức giải trí vào dịp Tết là đánh bài tới. Sau đó, đánh bài tới phát triển cả về quy mô và cách thức.
Các làng quê đã cho dựng chòi phía trước sân đình, sân chợ để tổ chức hội bài chòi trong mỗi dịp Xuân về, thu hút mọi lứa tuổi trong làng tham gia.
Từ đó, bài chòi thực sự trở thành của cộng đồng làng và được dân gian gọi là hội bài chòi. Tuy nhiên, trong thời gian dài, hội bài chòi không được tổ chức và bị rơi vào lãng quên ở ngay những làng quê mà bài chòi sinh ra.
Từ năm 1990 đến nay, hội bài chòi ở Quảng Trị được khôi phục trở lại tại các làng: Tùng Luật, Cổ Mỹ thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; Ngô Xá Tây thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong... Sau khi được khôi phục, bài chòi ở Quảng Trị vẫn mang đậm chất dân gian, thể hiện ở những điệu hò, câu vè và yếu tố giải trí, cầu may, sự cố kết cộng đồng.
[Nghệ thuật Bài Chòi-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại]
Hiện nay, bài chòi ở Quảng Trị đang được lưu giữ theo phương thức truyền khẩu. Phần đông nghệ nhân am hiểu về bài chòi đã cao tuổi, trong khi việc truyền dạy bài chòi cho thế hệ trẻ chưa đồng bộ. Vì vậy, bài chòi ở Quảng Trị có nguy cơ mai một và thất truyền.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi.
Để thực hiện đề án này, thời gian tới tỉnh Quảng Trị tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: điều tra, kiểm kê, phân loại nghệ thuật bài chòi; tổ chức truyền dạy và đào tạo thế hệ trẻ thực hành kỹ năng về nghệ thuật bài chòi; tạo điều kiện, môi trường cho những nghệ nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có hoạt động bài chòi; tổ chức khai thác di sản bài chòi phục vụ phát triển văn hóa và du lịch; tuyên truyền bảo vệ và phát huy bài chòi ở cơ sở.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, tổng kinh phí dự kiến để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi khoảng 1,8 tỷ đồng.
Cuối tháng 6/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức Lễ vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.../.