Ra mắt hai cuốn sách đặc biệt bảo vệ loài gấu Việt Nam

Sáng 10/7 tại Trung tâm Cứu hộ Gấu ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, Tổ chức Động vật Châu Á đã giới thiệu hai cuốn sách đặc biệt về nuôi dưỡng và bảo vệ loài gấu tại Việt Nam.
Ra mắt hai cuốn sách đặc biệt bảo vệ loài gấu Việt Nam ảnh 1Hai cuốn sách về chăm sóc và bảo vệ loài gấu do chính các chuyên gia của Tổ chức Động vật châu Á dày công biên soạn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng 10/7 tại Trung tâm Cứu hộ Gấu ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, Tổ chức Động vật Châu Á (Animal Asia) đã giới thiệu hai cuốn sách “Chăm sóc và đảm bảo phúc lợi cho gấu ngựa và gấu chó tại trung tâm cứu hộ” và “Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc những cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu“.

Hai cuốn sách do chính các chuyên gia của Tổ chức dày công biên soạn. Đây là những nỗ lực của Tổ chức Động vật Châu Á trong chiến lược hỗ trợ, nâng cao năng lực cứu hộ và chăm sóc gấu cho các Trung tâm cứu hộ trên khắp cả nước, cũng như tuyên truyền nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng mật gấu trong cộng đồng.

Sách “Chăm sóc và đảm bảo phúc lợi cho gấu ngựa và gấu chó tại trung tâm cứu hộ” là cuốn sổ tay hướng dẫn song ngữ Anh - Việt do Bộ phận quản lý và chăm sóc gấu và Thú y của Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc Tổ chức Động vật Châu Á soạn thảo.

Cuốn sổ tay chia thành 14 chương sẽ cung cấp chuỗi thông tin tổng quan toàn diện về chăm sóc và làm giàu (đa dạng môi trường sống) cho gấu, phương thức quản lý riêng dành cho gấu con và gấu nhỡ, bên cạnh đó còn có một chương bàn về chăm sóc thú y cơ bản. Tất cả các vấn đề liên quan đến chăm sóc và nuôi dưỡng gấu được trình bày một cách chi tiết, súc tích, có ví dụ cụ thể trực quan và sinh động.

Ra mắt hai cuốn sách đặc biệt bảo vệ loài gấu Việt Nam ảnh 2Hai cuốn sách được kỳ vọng sẽ là những cuốn sổ tay hữu ích cho những người yêu động vật đặc biệt là loài gấu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cho đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ và nuôi dưỡng trên 600 cá thể gấu ở các trung tâm cứu hộ tại Việt Nam và Trung Quốc theo mô hình bán tự nhiên. Cuốn sổ tay là kết quả của hàng thập kỷ tích lũy kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực phục hồi và chăm sóc gấu.

Tại trung tâm cứu hộ, gấu được ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái trong không gian chuồng cũng như ở khu bán tự nhiên - nơi chúng có thể yên tâm phục hồi và dành những năm tháng còn lại của cuộc đời bên cạnh các cá thể gấu khác.

Trong suốt quá trình hồi phục của gấu, đội ngũ nhân viên chăm sóc gấu của Tổ chức luôn luôn theo dõi sát sao hành vi cũng như tình trạng khỏe mạnh, hạnh phúc của chúng thông qua các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ và công việc quan sát, ghi chép hằng ngày. Gấu được cung cấp nước sạch mọi lúc mọi nơi, được cho khẩu phần ăn đạt tiêu chuẩn, có môi trường sống đa dạng nhờ công tác làm giàu, và đội ngũ nhân viên của Tổ chức luôn làm việc hết mình để gây dựng mối quan hệ tốt với từng cá thể. Tất cả nhằm đảm bảo gấu nhận được sự chăm sóc tốt nhất có thể.

Mục đích khi soạn thảo ra cuốn sổ tay hướng dẫn này để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn nhằm nâng cao phúc lợi của những cá thể gấu đang sống tại các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên khắp Việt Nam. Cuốn sách được kỳ vọng sẽ trở thành một tài liệu cần thiết cho các đơn vị đang cứu hộ và chăm sóc gấu trên cả nước tham khảo và áp dụng.

Sách “Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc những cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu“ tiếp nối và hiện thực hóa việc trồng những cây thuốc đã được giới thiệu trước đó trong cuốn sách “Các cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” được Tổ chức Động vật Châu Á và Trung ương Hội Đông Y giới thiệu năm 2013. Sách bao gồm các thông tin kỹ thuật như đặc điểm điều kiện sinh trưởng của các loài cây thảo dược, kỹ thuật gieo hạt trồng và chăm sóc cây, cách phòng bệnh an toàn cho cây và cách thu hoạch sử dụng, cách nhân giống, … được trình bày một cách chi tiết và cẩn thận.

Song song với công tác cứu hộ và chăm sóc gấu, Tổ chức Động vật Châu Á hiện đang triển khai các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng không sử dụng mật gấu, trong đó có một hợp phần khuyến khích sử dụng các thảo dược an toàn thay thế mật gấu.

Tổ chức Động vật Châu Á trong hơn 8 năm qua, đã hợp tác với Trung Ương Hội Đông Y Việt Nam, Hội Đông Y tại các tỉnh thành, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội thuộc Viện Dược Liệu, và rất nhiều các thầy thuốc đông y nhằm tìm ra các thảo dược có tác dụng thay thế mật gấu, trồng, nhân giống cây, nghiên cứu các sản phẩm thuốc và phổ biến miễn phí tới cộng đồng thông qua các chương trình tuyên truyền.

Cho tới nay, Tổ chức đã tài trợ và hợp tác xây dựng 7 vườn thảo dược thay thế mật gấu tại: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, và Tây Ninh, trong đó có hai vườn tại các trường học tại Trung tâm Trải nghiệm Sáng tạo của trường Phổ thông trung học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) và Trường tiểu học Phụng Thượng (Hà Nội).

Cuốn sách là thành quả của quá trình hợp tác thành công giữa Tổ chức Động vật Châu Á và Trung ương Hội Đông y Việt Nam và Viện Dược liệu, trong nỗ lực chung chấm dứt việc sử dụng mật gấu, Nội dung sách được thiết kế phù hợp cho nhiều đối tượng, đặc biết là thế hệ trẻ để khuyến khích tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc cây thuốc nhằm tuyên truyền tới bạn bè và gia đình sử dụng các thảo dược thay vì mật gấu.

Tiến sỹ Jill Robinson. MBE, Sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á phát biểu trong lễ giới thiệu hai cuốn sách:

“Chúng ta đều biết rằng để có thể chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, chúng ta cần cứu hộ cho hơn 800 cá thể gấu còn đang sống trong các trại gấu trên khắp Việt Nam. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn. Nhưng một khi gấu đã được cứu hộ về các trung tâm cứu hộ gấu, chúng ta lại phải đối mặt với một thách thức rất lớn khác, đó là việc phải đảm bảo chất lượng chăm sóc và phúc lợi tốt nhất cho gấu sau nhiều năm bị bóc lột trong các trại gấu. Chúng ta chỉ có thể vượt qua trở ngại này nếu các cơ quan chức năng và cộng đồng cùng chung tay hợp tác với chúng tôi để đảm bảo rằng gấu được chăm sóc đúng cách, trọn đời gấu. Và cuốn sách “Chăm sóc và đảm bảo phúc lợi cho gấu ngựa và gấu chó tại trung tâm cứu hộ” sẽ là tài liệu hướng dẫn thiết yếu cho việc chăm sóc gấu trong môi trường nuôi nhốt, và đặt nền tảng cho các cơ sở cứu hộ thiết lập chương trình chăm sóc gấu toàn diện.

Bên cạnh đó, để chắc chắn chấm dứt được nạn nuôi nhốt gấu lấy mật, chúng ta cần giảm thiểu được nhu cầu sử dụng mật gấu. Cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thuốc được biên soạn nhằm khuyến khích sử dụng thảo dược có tác dụng thay thế mật gấu trong Đông y. Chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ khuyến khích thật nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, bắt đầu trồng những cây thuốc này và giúp hàng trăm cá thể gấu không còn phải ngóng nhìn bầu trời qua các song sắt và bị trích hút mật.”

Ra mắt hai cuốn sách đặc biệt bảo vệ loài gấu Việt Nam ảnh 3Phần trình bày sách rất đơn giản và thân thiện giúp người đọc dễ dàng hiểu và nắm bắt thông tin. (Ảnh: Tổ chức động vật châu Á)

Tổ chức Động vật Châu Á hiện đang lên kế hoạch tặng miễn phí hai cuốn sách nói trên tới những địa chỉ phù hợp.

Đây là một trong những nỗ lực mà đơn vị này đang triển khai nhằm hiện thực hóa hai sứ mệnh mà Tổ chức đã cam kết với các cơ quan Nhà nước, đó là xây dựng lộ trình và các kế hoạch cần thiết để chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật và bảo tồn số lượng gấu còn lại trong tự nhiên vào năm 2023, và chấm dứt việc sử dụng mật gấu trong Đông y vào năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục