Sau thời kỳ ảm đạm, nghệ thuật biểu diễn sẵn sàng cho ngày mở màn

Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày sân khấu được sáng đèn trở lại, song họ vẫn cần sự hỗ trợ về cơ chế, ngân sách từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Vở kịch "Dế mèn" của sân khấu Lệ Ngọc. (Ảnh: SKLN)
Vở kịch "Dế mèn" của sân khấu Lệ Ngọc. (Ảnh: SKLN)

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng Tư, sân khấu đóng cửa, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đều phải dừng lại. Song, gần nửa năm qua, các nghệ sỹ không hề “ngủ đông,” họ vẫn âm thầm sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu với nghề, chờ ngày nhà hát sáng đèn trở lại.

Nghệ sỹ vẫn hoạt động sôi nổi

Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng, phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay các nghệ sỹ xiếc đã dày công dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc để phục vụ các em thiếu nhi trong dịp nghỉ Hè và 1/6 song dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 4 tại Hà Nội đã khiến mọi kế hoạch bị thay đổi.

Các chương trình có nội dung và thông điệp, chứ không chỉ là các tiết mục xiếc đơn lẻ ghép lại với nhau. Các vở diễn như “Cướp biển,” “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu” đã mang tới những giây phút giải trí thú vị và những bài học về môi trường thiên nhiên và hòa bình thế giới.

Để có thể thực hiện những chương trình như vậy, các nghệ sỹ đã phải tập luyện rất công phu. Do đó, khi rạp xiếc phải đóng cửa, họ đều ngậm ngùi tiếc nuối.

Sau thời kỳ ảm đạm, nghệ thuật biểu diễn sẵn sàng cho ngày mở màn ảnh 1Một tiết mục của nghệ sỹ Liên đoàn Xiếc Việt Nam. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

“Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Liên đoàn cũng phải lấy lại tinh thần để động viên các nghệ sỹ. Chúng tôi linh hoạt chỉnh sửa kịch bản và kết cấu các tiết mục để có thể sẵn sàng biểu diễn trở lại bất kỳ khi nào có thể. Vở diễn dịp nghỉ Hè được thay đổi một số chi tiết để có thể phù hợp diễn vào dịp 1/6, song ngày Quốc tế Thiếu nhi vẫn không diễn được, chúng tôi lại thay đổi để diễn vào Trung Thu…,” ông Tống Toàn Thắng chia sẻ với phóng viên VietnamPlus.

Với Sân khấu Lệ Ngọc, trong hai năm nghệ thuật biểu diễn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các nghệ sỹ vẫn hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả.

Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc cho biết: “Năm 2020, chúng tôi dựng 6 vở mới, tổ chức hơn 150 buổi diễn. Đặc biệt là chuyến ‘Nam du’ giữa hai đợt dịch, lập kỷ lục diễn liên tục 20 buổi trong 10 ngày tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh.”

Năm 2021, sân khấu Lệ Ngọc đã dựng hai vở “Dế mèn” “Làm vua.” Vở “Dế mèn” vừa ra đời đã đạt kỷ lục 20 đêm diễn liên tục tại Nhà hát Lớn và rạp Đại Nam, Hà Nội. Vở “Làm vua” vừa diễn thử ba buổi rất được hoan nghênh thì phải ngừng lại vì đợt dịch thứ 4.

"Mặc dù dịch bùng phát, chúng tôi vẫn làm việc, lên kịch bản, dựng vở mới trong bối cảnh đảm bảo chống dịch, đó là ‘mục tiêu kép’ của sân khấu," nghệ sỹ chia sẻ.

Để chuẩn bị cho ngày rạp hát được sáng đèn trở lại, Sân khấu Lệ Ngọc vẫn quyết định khởi công vở mới của tác giả trẻ Nguyễn Toàn Thắng về đề tài gia đình thời kinh tế thị trường. Vở diễn có tên gọi “Nước mắt của mẹ.”

Sau thời kỳ ảm đạm, nghệ thuật biểu diễn sẵn sàng cho ngày mở màn ảnh 2Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc làm "quản trò" trong các sân chơi trực tuyến cho thiếu nhi. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, chị vẫn tích cực tạo ra sân chơi online cho các em thiếu nhi trên mạng xã hội. Thông qua các cuộc thi, các lớp học tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn, kỹ năng diễn xuất, vẽ tranh, viết kịch bản… Sân khấu Lệ Ngọc vẫn có sức thu hút lớn đối với khán giả.

“Khi Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội, diễn viên không thể tập luyện được nữa. Chúng tôi sẽ hoàn thành vở diễn khi điều kiện cho phép. Tôi tin rằng các vở diễn mới, đặc sắc sẽ là món quà xứng đáng mà Sân khấu Lệ Ngọc đem đến cho khán giả giai đoạn hậu giãn cách,” nghệ sỹ cho biết.

Khó phục hồi ngay trong giai đoạn đầu của hậu giãn cách

Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc cho hay lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật ngoài công lập là một thách thức lớn. Bên cạnh những khó khăn chung của nghệ thuật biểu diễn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sân khấu Lệ Ngọc không có nhà hát, nên phải “đội” thêm chi phí thuê địa điểm biểu diễn, tập luyện; lực lượng diễn viên tản mát đi nhiều…

“Cơ quan quản lý Nhà nước phải có lộ trình giúp tất cả các nhà hát, các nghệ sỹ trong giai đoạn này. Năm nay rất khác với năm 2020, nghệ thuật biểu diễn khó phục hồi hơn bởi các đơn vị nghệ thuật đã phải oằn mình chống chịu trong một thời gian dài,” nghệ sỹ Lệ Ngọc tâm sự.

[Trợ cấp nghệ sỹ biểu diễn mùa dịch: Tiếp sức để giữ ngọn lửa nghề]

Chị khẳng định rằng lãnh đạo các nhà hát phải chấp nhận thực tế là nghệ thuật biểu diễn không thể phục hồi ngay trong giai đoạn đầu của hậu giãn cách bởi người dân cũng đang rất khó khăn về kinh tế, chưa thể dành thời gian và chi phí cho thưởng thức nghệ thuật.

“Năm 2020, sau khi kết thúc giãn cách, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình cho 12 nhà hát trực thuộc Bộ, có bán vé để hỗ trợ cho các nghệ sỹ. Đó là việc làm đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của cơ quan chủ quản, song năm nay, tôi cho rằng cần có cách làm khác,” nghệ sỹ nhân dân cho biết.

Theo chị, việc khán giả bỏ tiền mua vé xem một vài chương trình không có tác dụng căn cơ lâu dài đối với đời sống nghệ sỹ.

Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, đồng tình với quan điểm của nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc rằng tổ chức các chương trình thu phí có thể sẽ không hiệu quả.

Sau thời kỳ ảm đạm, nghệ thuật biểu diễn sẵn sàng cho ngày mở màn ảnh 3Một cảnh trong vở ballet "Kiều." (Ảnh: NS Tuyết Minh)

“Bên cạnh các chương trình bán vé, các nhà hát, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chương trình vì cộng đồng, biểu diễn miễn phí để công chúng được thụ hưởng nghệ thuật theo đúng nghĩa ‘nghệ thuật vị nhân sinh’,” biên đạo múa Tuyết minh đề xuất.

Chị cho rằng khán giả cần một khoảng tĩnh ở giai đoạn hậu giãn cách trước khi trở lại với các “thánh đường” nghệ thuật. Đó là khoảng thời gian để các ngành nghề khác đi vào quỹ đạo, đời sống kinh tế ổn định hơn thì khán giả mới sẵn sàng cho các chương trình biểu diễn.

“Phải khẳng định rằng nghệ thuật có ý nghĩa động viên tinh thần to lớn, giúp mọi người nạp thêm năng lượng tích cực, lấy lại nhịp độ sinh học bình thường, từ đó cũng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế. Do đó, lúc này sân khấu cần có thêm những tác phẩm giàu ý nghĩa nhân văn. Để làm được như vậy thì cơ quan Nhà nước cần có ngân sách đầu tư thỏa đáng,” nghệ sỹ Tuyết Minh chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thì cho biết trước mắt, Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập để giải quyết những khó khăn do tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Ông khẳng định Bộ cũng sẽ xem xét nguồn kinh phí để hỗ trợ các nhà hát trong 6 tháng cuối năm nhằm góp phần ổn định đời sống cho cán bộ, nghệ sỹ và đầu tư kinh phí sản xuất các chương trình nghệ thuật.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang gấp rút hoàn thiện "Đề án sắp xếp nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở trung ương," sớm kiện toàn lại bộ máy, điều chỉnh, đề xuất những cơ chế phù hợp với thực tế, giúp ngành nghệ thuật biểu diễn tồn tại và phát triển với tầm nhìn lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục