Sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm tại huyện Nam Trà My

Dự án “Nghiên cứu thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm lũ quét dùng công nghệ M2M và điện toán đám mây” được triển khai thực hiện trong năm 2014 và 2015.
Sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm tại huyện Nam Trà My ảnh 1(Ảnh minh họa: Lục Văn Toán/TTXVN)

Trong khuôn khổ hợp tác của Liên minh viễn thông châu Á-Thái Bình Dương (APT), dự án “Nghiên cứu thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm lũ quét dùng công nghệ M2M (Machine to Machine) và điện toán đám mây” do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, trường Đại học Waseda (Nhật Bản) và Sở Thông tin Truyền thông Quảng Nam triển khai thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015.

Thực hiện dự án này, đoàn chuyên gia gồm các giáo sư thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản) và các nhà khoa học của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Nam đã kết thúc việc khảo sát, chọn địa điểm để tiến tới lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm tại làng Tắk Râu, xã Trà Mai, huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nhằm giúp đồng bào nơi đây chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nam Trà My là địa bàn vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam. Vào mùa mưa lũ, tình trạng lũ quét, sạt lở đất đá thường xuyên xảy ra, trong khi đó thông tin cảnh báo về mưa lũ tới người dân còn hạn chế.

Vì vậy trong chuyến khảo sát thực địa này, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã quyết định sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm tại làng Tắk Râu thuộc thôn 2 xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.

Thiết bị cảnh báo lũ sớm bao gồm ba máy cảm biến về tốc độ, lưu lượng nước đặt tại ba vị trí khác nhau dưới dòng sông Nước Ui. Một hệ thống máy chủ sử dụng điện mặt trời để thu thập thông tin từ các cảm biến để tính toán và đưa ra cảnh báo về tình hình mưa lũ tới người dân.

Chỉ cần có lũ phía đầu nguồn, các máy cảm biến này sẽ đo nhận thông tin và truyền lập tức về máy chủ để xử lý.

Ngoài ra, các chuyên gia dự kiến sẽ xây dựng thêm trạm khí tượng thủy văn tại khu vực đầu nguồn sông Nước Ui để nắm bắt tình hình thời tiết và truyền tín hiệu về máy chủ thông qua hệ thống mạng không dây.

Đây là dự án có ý nghĩa cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông giám sát cảnh báo lũ quét tại Quảng Nam và phát triển ra các tỉnh miền Trung, nơi thường xảy ra thiên tai lũ lụt, góp phần vào sự đảm bảo an toàn cho cộng đồng trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học kỳ vọng kết quả của dự án này sẽ được mở rộng ra quy mô toàn quốc, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế tích hợp các công nghệ M2M (Machine to Machine) và điện toán đám mây nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My cho biết, sau khi hoàn thành việc khảo sát và chọn địa điểm lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm, các nhà khoa học cho biết hiện công tác tính toán và thiết kế kỹ thuật cho hệ thống này đang được tiến hành.

Khả năng trong năm nay việc lắp đặt các thiết bị cảnh báo lũ sớm sẽ được các chuyên gia Nhật Bản và các nhà khoa học Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam triển khai thực hiện.

Việc lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ sớm sẽ giúp địa phương chủ động và ứng phó có hiệu quả hơn với tình trạng mưa lũ và sạt lở đất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, do đó địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục