Standard Chartered: Kinh tế ASEAN tiếp tục tăng trưởng nhanh

Ngân hàng Standard Chartered nhận định kinh tế của ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh với nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2015.

Ngân hàng Standard Chartered nhận định kinh tế của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh với nhiều tiềm năng phát triển trong năm 2015.

Ông Edward Lee Wee Kok, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của Standard Chartered, cho biết tăng trưởng của ASEAN đã luôn vượt trội so với tăng trưởng toàn cầu và đã đạt mức tăng trưởng nhanh hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu trong giai đoạn 1980-2013 là 2%.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 12/1, ông Lee cho rằng ASEAN sẽ được hưởng nhiều lợi ích sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời trong năm 2015.

Theo báo cáo đặc biệt của Standard Chartered, thương mại nội khối ASEAN đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2000, đạt 295 tỷ USD vào năm 2013, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 9,3%. Với GDP năm 2013 là 2.400 tỷ USD, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tám thế giới.

Báo cáo cho thấy tiềm năng thương mại sẽ tăng hơn nữa khi mà các nền kinh tế ASEAN tiếp tục phát triển. Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng bao gồm hội nhập kinh tế ASEAN lớn hơn, thu nhập của người dân tăng, kinh tế phát triển, đô thị hóa, cơ sở hạ tầng được cải thiện và năng suất tăng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2013, ASEAN đã thu hút 9% FDI toàn cầu, nhiều hơn so với Trung Quốc và có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 15% kể từ năm 2005. Báo cáo trên cho biết việc Trung Quốc mất dần năng lực cạnh tranh đã khích lệ đầu tư chuyển từ Trung Quốc vào ASEAN.

Thêm vào đó, ASEAN hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lực lượng lao động với chi phí thấp, cơ sở hạ tầng cải thiện, các hiệp định thương mại, môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định khu vực, sự giàu có tăng và kinh tế tăng trưởng nhanh. Theo ông Lee, đô thị hóa có thể là một động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2013 chỉ có khoảng 46% dân số ASEAN ở thành thị. Đô thị hóa có thể thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bởi vì ASEAN vẫn còn nhiều vùng nông thôn.

Về thu nhập bình quân đầu người, ông Lee cho biết Standard Chartered ước tính GDP bình quân đầu người của ASEAN có thể tăng hơn gấp đôi, từ mức 3.900 USD năm 2013 lên 8.500 USD vào năm 2030, dựa vào xu hướng đô thị hóa gần đây.

Dân số của ASEAN dự kiến sẽ tăng hơn 10% lên 690 triệu người vào năm 2020, và lực lượng lao động của khối dự kiến sẽ tăng thêm 70 triệu người vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục