Tại sao các công ty dược phản đối dỡ bỏ bản quyền vaccine COVID-19?

Các doanh nghiệp cho rằng bằng cách xem nhẹ tài sản trí tuệ, một nguồn thu để giúp hỗ trợ tài chính cho đổi mới, việc dỡ bỏ bản quyền vaccine COVID-19 đã làm rung chuyển ngành dược phẩm.
Tại sao các công ty dược phản đối dỡ bỏ bản quyền vaccine COVID-19? ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Sinopharm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một làn sóng phản đối kịch liệt đang diễn ra trong ngành dược phẩm sau quyết định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước đang phát triển quyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong 5 năm mà không cần sự đồng ý của chủ thể quyền sáng chế.

Phân tích nguyên nhân và hệ quả của quyết định này, nhật báo Les Echos (Pháp) dẫn ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng bằng cách xem nhẹ tài sản trí tuệ, một nguồn thu để giúp hỗ trợ tài chính cho đổi mới, biện pháp này đã làm rung chuyển ngành dược phẩm và hiện họ đang đợi để đo lường tác động của quyết định đó đối với các nhà đầu tư.

Đây có thể là một tiền lệ nguy hiểm làm nhụt chí các nhà đầu tư, do đó ảnh hưởng tới việc tài trợ cho sự đổi mới và là một việc làm không cần thiết trong bối cảnh sản xuất dư thừa vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới hiện nay.

[WTO chưa nhất trí bỏ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19]

Việc dỡ bỏ bản quyền vaccine còn có nguy cơ tạo ra mối nguy hiểm khác là tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp dược phẩm mới nổi và đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh với các phòng thí nghiệm phương Tây trên thị trường thế giới.

Ấn Độ cùng với Nam Phi là những quốc gia đầu tiên yêu cầu WTO dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19.

Theo những người phản đối, quyết định này “thật nguy hiểm và không có tác dụng.”

Ông Philippe Lamoureux, Tổng giám đốc liên minh các công ty dược phẩm của Pháp (Leem), cho biết: “Thỏa thuận này không đem lại lợi ích gì cho sức khỏe cộng đồng. Việc tiếp cận với vaccine khó khăn không phải là do vấn đề sản xuất không đủ vì những ràng buộc về bản quyền. Ngược lại, hiện nay chúng ta đang ở trong tình trạng sản xuất dư thừa trên quy mô toàn cầu.”

Giữa tháng 4/2022, 13,7 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sản xuất (dự kiến đến hết tháng 6/2022 là 13,9 tỷ), nhưng chỉ mới có 11 tỷ liều được sử dụng.

Cũng trong tháng này, Thomas Cueni - Tổng Giám đốc Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) - cho biết: “Các đơn đặt hàng đang chậm lại. Các quốc gia và các cơ quan như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Liên minh châu Phi (CDC châu Phi) không chỉ yêu cầu hoãn các đơn đặt hàng của họ, mà còn hủy bỏ chúng.”

Các dự án công nghiệp ở châu Phi

Thực tế cho thấy các công ty dược không chờ đợi quyết định trên của WTO mà họ đã hành động từ trước đó, nhưng với những đối tượng thực sự cần được ưu tiên.

Tháng 3 vừa qua, Moderna thông báo đã từ bỏ bản quyền đối với vaccine mRNA COVID-19 tại 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Đến tháng 5, Pfizer đã cam kết bán với giá gốc cho 45 quốc gia nghèo các loại vaccine và thuốc đã được cấp bằng sáng chế của họ, bao gồm cả vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ mRNA.

Vấn đề đối với châu Phi không phải là việc cung cấp mà nằm ở khâu phân phối và sự chấp nhận của dân chúng. Do đó, sản xuất tại chỗ có thể là giải pháp tốt hơn cả.

Moderna có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD để sản xuất vaccine ở tại Kenya.

Tại Senegal, Viện Pasteur ở Dakar đang xây dựng một “Trung tâm sản xuất vaccine” đa công nghệ sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023 và BioNTech đã lên kế hoạch cho các nhà máy di động, trong đó có một nhà máy ở Nam Phi.

Thậm chí Nam Phi cũng đã có nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nội địa ở Aspen. Nhà máy này đã phải trải qua những khó khăn tồi tệ nhất vì thiếu đơn đặt hàng và bây giờ sẽ còn phải xem việc dỡ bỏ bằng sáng chế sẽ có tác động như thế nào đối với cơ sở công nghiệp non trẻ này.

Ngay sau khi WTO công bố quyết định dỡ bỏ sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19, Liên đoàn Công nghiệp và Hiệp hội Dược phẩm châu Âu (EFPIA) cho biết họ “vô cùng thất vọng” với quyết định của WTO.

Thật mỉa mai, quyết định này được đưa ra khi WHO quan sát thấy tỷ lệ tiêm chủng tăng vọt ở 31 quốc gia châu Phi.

Tỷ lệ này hiện đạt 50% cho những người trên 60 tuổi, so với 10% vào cuối năm 2021, và cho nhân viên y tế, so với khoảng hơn 30% vào cuối năm 2021.

Hiện vẫn còn 14 quốc gia châu Phi có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng không đạt 10%.

Ngành công nghiệp dược quốc tế nghi ngờ việc dỡ bỏ bằng sáng chế chẳng thể giải quyết được vấn đề.

Ông Lamoureux nhận xét: “Đó là một thỏa thuận đôi bên cùng thua thiệt, trong đó WTO thậm chí không giải quyết được những trở ngại trong việc tiếp cận vaccine mà chính tổ chức này đã xác định.”

Bất chấp sự phản đối, WTO đang lên kế hoạch để bỏ phiếu trong vòng 6 tháng tới về khả năng mở rộng cách làm này cho điều trị và xét nghiệm chẩn đoán COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục