Thách thức đối với tiến trình cải cách của Liên minh châu Phi

Một trong những mục tiêu của cải cách Liên minh châu Phi là đưa AU đến gần hơn với người dân, sóng các tổ chức xã hội dân sự đang quan ngại về mức chi tiêu mà các nước châu Phi nghèo đang gánh chịu.
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Niamey, Niger. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Niamey, Niger. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng issafrica.org mới đây đăng bài viết của Hội đồng An ninh và Hòa bình (PSC), trong đó phân tích và đánh giá về tiến độ thực hiện cải cách của Liên minh châu Phi (AU) tại Hội nghị thượng đỉnh Niamey (Niger) hồi tháng Bảy vừa qua. Nội dung bài viết như sau:

Lần đầu tiên kể từ năm 2004, Hội đồng Liên minh châu Phi (AUA) - cơ quan quyền lực cao nhất của AU - không họp phiên giữa năm vào tháng 7/2019.

Theo đề xuất của Tổng thống Rwanda Paul Kagame và cơ quan thực thi cải cách của Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) đã được thông qua, từ 2019, Hội đồng các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ AU chỉ họp thường kỳ 1 lần/năm.

Cải cách này nhằm hạn chế các cuộc họp lớn của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên, bởi các cuộc họp của Hội đồng AU đưa ra rất ít quyết định thực sự và có thể thay bằng những cuộc họp nhỏ gọn, hiệu quả hơn như Hội nghị Điều phối giữa năm lần đầu tiên được tổ chức vào hôm 8/7 vừa qua.

Các nguyên thủ quốc gia cũng có những dịp khác để gặp nhau như tại các cuộc họp của nhiều cộng đồng kinh tế khu vực (REC) hoặc song phương.

Mặc dù AU đã giảm số lượng hội nghị thượng đỉnh thường niên, nhưng hơn 30 nguyên thủ quốc gia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh bất thường về Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) tại Niamey ngày 7/7 vừa qua.

Với một phiên họp bình thường của Hội đồng điều hành AU, một số cuộc họp bên lề của Hội đồng Hòa bình và an ninh (PSC) và của nhiều cơ quan khác diễn ra, phiên họp bất thường này giống như một hội nghị thượng đỉnh AU thông thường.

Do đó, ở chừng mực nhất định, lễ tuyên bố AfCFTA chính thức có hiệu lực của Tổng thống Niger Mahamadou Issouffou tại Niamey khiến mục đích giới hạn các hội nghị thượng đỉnh của AU chỉ còn 1 lần/năm không còn nhiều ý nghĩa thực tiễn.

[Cảnh báo nhiều trẻ em châu Phi lớn lên không có nhân thân]

Cuộc họp Điều phối giữa năm lần đầu tiên giữa AU và các cộng đồng kinh tế khu vực (REC), được cho là sẽ thay thế cuộc họp thượng đỉnh giữa năm của Hội đồng AU như trước đó, bị giảm tầm quan trọng, trở thành một sự kiện bên lề và kéo dài không đến vài giờ.

Từ nhận thức trên, cũng như từ thực tế nhiều quyết định liên quan tại hội nghị ngày 7/7 vừa qua hoặc các quyết định chưa được thông qua, hoặc bị trì hoãn, Hội nghị thượng đỉnh Niamey chỉ mới thực hiện được một phần những cải cách của AU.

Đối với nước chủ nhà, chi phí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Niamey cũng rất cao, bởi để chuẩn bị cho sự kiện này, Niger đã quyết định xây dựng một trung tâm hội nghị mới và các khách sạn sang trọng, một số công trình vẫn chưa hoàn thành vào thời điểm hội nghị diễn ra.

Một trong những mục tiêu của cải cách Liên minh châu Phi là đưa AU đến gần hơn với người dân và trong khi sự phân cấp các hoạt động của AU là rất quan trọng, các tổ chức xã hội dân sự bày tỏ quan ngại về mức độ chi tiêu mà các nước châu Phi đang gặp khó khăn về tài chính phải gánh chịu.

Trong các dự thảo quyết định, Hội đồng điều hành ở Niamey khuyến nghị AUC nên cân nhắc các nguyên tắc về hiệu quả chi phí, công bằng và tổ chức hội nghị luân chuyển tại các khu vực bên ngoài trụ sở AU ở Addis Ababa.

Nhiều quyết định cải cách khác của AU cũng chỉ được thực hiện một phần...

Một trong những nền tảng cải cách AU được thông qua hồi tháng 1/2017 là củng cố Hội đồng AU và hợp lý hóa các hoạt động của các hội nghị thượng đỉnh.

Các nội dung cải cách khác gồm AU cần tập trung vào các ưu tiên chính trong phạm vi lục địa; sắp xếp lại các tổ chức thuộc AU nhằm giải quyết những ưu tiên trên; điều hành hoạt động của AU một cách hiệu lực, hiệu quả trên cả lĩnh vực chính trị và triển khai thực tế; đảm bảo tài chính bền vững cho AU, cũng như các thành viên được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan của Liên minh châu Phi.

Các nội dung cụ thể về việc tái cấu trúc Ủy ban AU (AUC) dự kiến được đưa ra tại Hội đồng điều hành ở kỳ họp Niamey đã bị hoãn lại đến hội nghị thượng đỉnh thông thường tiếp theo dự kiến tổ chức vào tháng 1/2020 tại Addis Ababa.

Theo chương trình cải cách, số lượng các phòng trực thuộc và cao ủy của AU sẽ giảm từ 8 còn 6 bằng cách sáp nhập Phòng Hòa bình-an ninh và Phòng Các vấn đề chính trị.

Do đó, cần sớm đưa ra các quyết định chi tiết về tái cấu trúc, để quá trình lựa chọn lãnh đạo ủy ban nhiệm kỳ 2021 có thể bắt đầu vào tháng 1/2020.

Thách thức đối với tiến trình cải cách của Liên minh châu Phi ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Niamey, Niger. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, vấn đề hợp tác của AU với đối tác bên ngoài vẫn còn tồn tại bất đồng. Đề xuất cải cách ban đầu nhằm đạt đồng thuận giữa các thành viên để “châu Phi sẽ có tiếng nói chung” trong các vấn đề ngoài khu vực.

Bộ ba của AU (Chủ tịch AU tiền nhiệm, đương nhiệm và kế nhiệm) và Ủy ban AU sẽ đại diện cho châu Phi trong một số hội nghị với các đối tác bên ngoài, đặc biệt khi đối tác chỉ là một quốc gia.

Các nước đã đạt được đồng thuận về việc cho phép tất cả các quốc gia thành viên tham dự các cuộc họp với những nhóm lớn như Liên minh châu Âu (EU) hoặc Liên minh các quốc gia Arab.

Một số ý kiến cho rằng các quan hệ đối tác hiện có như với Trung Quốc (FOCAC) và Nhật Bản (TICAD) nên được duy trì như hiện trạng.

Tuy nhiên, các nước chưa đạt được đồng thuận về việc ai sẽ đại diện cho châu Phi tại các hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia duy nhất như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, thậm chí là Pháp (đã tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh của Pháp - châu Phi thời gian qua).

Nhiều nguyên thủ quốc gia cho rằng không đáng để những nhà lãnh đạo này phải bị gạt ra nhằm ủng hộ một cấu trúc nhỏ hơn vốn không phải lúc nào cũng đại diện cho lợi ích của nước mình.

… và ngân sách cắt giảm

Theo dự thảo quyết định của Hội đồng điều hành, ngân sách của AUC tiếp tục giảm khoảng 40 triệu USD (từ 681 triệu USD năm 2018) còn 647 triệu USD năm 2019, bằng cách loại bỏ sự trùng lặp và thông qua quản lý AUC tốt hơn - một phần quan trọng của cải cách.

Tại Hội nghị Niamey, Ủy ban Đại diện thường trực (gồm đại sứ của các nước thành viên) cũng trình bày báo cáo của các kiểm toán viên bên ngoài, cho thấy những hạn chế lớn trong thực tiễn kế toán của AUC và các cơ quan trực thuộc.

Rõ ràng, tự chủ tài chính của AU sẽ đi đôi với trách nhiệm giải trình và minh bạch hơn.

Phát biểu trước các thành viên của Hội đồng điều hành tại Niamey, Chủ tịch AUC Moussa Faki Mahamat cho biết Ủy ban ghi nhận những phát hiện của các kiểm toán viên bên ngoài và đang đưa ra các biện pháp để cải thiện tình hình và xử lý những người có sai phạm.

Các thành viên của Liên minh châu Phi cũng chưa thực hiện đầy đủ quy định trích 0,2% thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu nhất định ngoài châu lục để tài trợ cho AU - một trong những nền tảng ban đầu của cải cách.

Điều này đòi hỏi phải có những cải cách để đảm bảo sự đóng góp tài chính ổn định, tăng dần của các thành viên.

Trong năm 2019 và 2020, đóng góp của các quốc gia thành viên đã tăng lên bằng khoảng 40% ngân sách AU, từ mức thấp 27% ngân sách năm 2018.

Tăng nguồn tài chính đối với Quỹ Hòa bình

Hội nghị Niamey cũng đưa ra thông báo Quỹ Hòa bình AU đã tăng lên đáng kể, đạt 120,7 triệu USD. Chủ tịch AUC Mahamat đánh giá Quỹ Hòa bình là một công cụ khẳng định quyền tự chủ và sẽ giúp châu Phi có thể hiện diện tích cực tại các khu vực xung đột, cũng như đảm bảo các hoạt động nhằm ngăn chặn xung đột.

Dù việc tiếp cận và quản lý Quỹ Hòa bình chưa được cụ thể hóa, song mức độ hiện nay của Quỹ có thể mang lại động lực quan trọng đối với hòa giải và các nỗ lực phòng ngừa xung đột khác của AU.

Chẳng hạn, nhờ Quỹ Hòa bình, AU sẽ có thể hòa giải trong các cuộc khủng hoảng như ở Sudan hoặc Cộng hòa Trung Phi mà không phải yêu cầu đối tác tài trợ. Đây là tiến bộ rất quan trọng.

Tập trung thực hiện chương trình “Im lặng tiếng súng vào năm 2020” tại châu Phi.

Hội nghị Niamey quyết định chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh 2020 sẽ là “Im lặng tiếng súng: Ban hành các quyết định có lợi cho sự phát triển của châu Phi,” phù hợp với mục tiêu của “Chương trình nghị sự 2063” của AU đưa ra trước đó là “Im lặng tiếng súng vào năm 2020.”

Mặc dù cột mốc này sẽ không thể đạt được, nhưng mục tiêu tiếp theo là tận dụng những tiến bộ AU đã đạt được và đưa ra các chiến lược mới để mang lại hòa bình cho châu Phi.

Trong tương lai, Liên minh châu Phi sẽ đối mặt với thách thức về tiếp tục thực hiện các cải cách và có chế tài đối với những nước thành viên không tuân thủ các thỏa thuận lục địa như đóng góp tài chính đối với AU.

Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Niamey cho thấy việc đạt được đồng thuận về các vấn đề chính vẫn sẽ là một trở ngại đối với quá trình cải cách AU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục