Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên 8/6

Hòa theo đà tăng điểm của Phố Wall trong phiên trước, thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên giao dịch ngày 8/6.
Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên 8/6 ảnh 1Bảng điện tử thông báo chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên giao dịch ngày 8/6, hòa theo đà tăng điểm của Phố Wall trong phiên trước đó.

Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại về xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của các ngân hàng trung ương sẽ kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu và làm tăng nguy cơ lạm phát đình trệ.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản tăng 0,9%, thu hẹp so với đà tăng từ buổi sáng nhưng bù lại phần lớn mức giảm trong phiên trước.

[Các thị trường chứng khoán châu Á chốt phiên 7/6 trái chiều]

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,8%, sau khi báo cáo từ Chính phủ Nhật Bản cho hay nền kinh tế lớn thứ ba thế giới suy giảm ít hơn dự kiến trong quý 1/2022, nhờ hoạt động chi tiêu tiêu dùng phục hồi và các doanh nghiệp khôi phục lại lượng hàng tồn kho.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản giảm 0,1%, so với dự đoán trung bình của thị trường là giảm 0,3%.

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/6 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu gần 1/3, xuống còn 2,9% cho năm 2022, cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm tăng thêm những thiệt hại từ đại dịch COVID-19 và nhiều quốc gia hiện phải đối mặt với suy thoái.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp tăng điểm trong hai phiên giao dịch vừa qua, giúp thị trường châu Á giao dịch sôi động hơn.

Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,37%, phục hồi một phần so với mức giảm của hôm trước, sau khi ngân hàng trung ương nước này bất ngờ tăng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm và báo hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Trong một diễn biến khác, lãi suất chủ chốt của Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (RBI) đã được nâng lên 50 điểm cơ bản vào ngày 8/6, như đã được dự đoán trước đó, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ hai trong vài tháng qua.

Vào ngày 9/6, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp và các thị trường đang dự đoán rằng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất nhanh chóng, ít nhất là bắt đầu bằng một đợt tăng khiêm tốn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với các thượng nghị sĩ Mỹ vào ngày 7/6 rằng bà dự kiến lạm phát sẽ vẫn ở mức cao và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ tăng dự báo lạm phát 4,7% cho năm nay trong đề xuất ngân sách mới.

Hai thị trường chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hong Kong đã phục hồi từ đà giảm ở đầu phiên.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng về triển vọng của nền kinh tế ngay cả khi các đợt phong tỏa xã hội nghiêm ngặt liên quan tới đại dịch COVID-19 được nới lỏng.

Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tăng 482,92 điểm (2,24%), lên  22.014,59 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite cũng tiến 22,03 điểm (0,68%), lên 3.263,79 điểm.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index tăng 16,56 điểm lên 1.307,91 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 584,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 16.757 tỷ đồng. Toàn sàn có 389 mã tăng giá, 80 mã giảm giá và 39 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 6,78 điểm lên 310,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 82 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.027,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 164 mã tăng giá, 61 mã giảm giá và 31 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 1,31 điểm lên 95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 56,3 triệu đơn vị, tương ứng 1.294,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 234 mã tăng, 75 mã giảm giá và 60 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục