Thị trường thế giới biến động, xuất khẩu cả năm liệu có cán đích?

Nhìn tổng thể, đại diện Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu qua các tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước song chưa thực sự bền vững.
Thị trường thế giới biến động, xuất khẩu cả năm liệu có cán đích? ảnh 1Giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm 2019. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã vượt mức 200 tỷ USD. Tuy nhiên, những diễn biến không thuận lợi về thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Giá nông sản, thủy sản vẫn sụt giảm

Theo đại diện Bộ Công Thương, đến hết quý 2, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018, song lại chưa bằng một nửa so với mức tăng trưởng xuất khẩu cùng kỳ năm 2018 so với năm 2017 (ở mức 16,4%).

Với kết quả trên, đến hết 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước mới chỉ đạt 46,55% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 36,67 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,75 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản sụt giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 12,4 tỷ USD. Trong nhóm hàng này, thủy sản đem về 3,93 tỷ USD, nhưng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu càphê cũng giảm 10,6% về lượng và 21,1% về kim ngạch. Ngoài ra, gạo giảm 2,9% về lượng và 17,6% về kim ngạch; Sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 17,7% về lượng và 13,9% về kim ngạch…

[Nhận diện cơ hội và thách thức với nông sản Việt khi tham gia CPTPP]

Qua 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,31 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 với kim ngạch đạt 102,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới 83,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Nhìn chung các mặt hàng chủ lực của nhóm công nghiệp chế biến đều tăng so với cùng kỳ năm 2018, đơn cử: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,8%, đạt 23,5 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,9%, đạt 15,5 tỷ USD; Hàng dệt may tăng 9,9%, đạt 15,04 tỷ USD; Giày, dép các loại tăng 14,2%, đạt 8,81 tỷ USD…

Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt, theo đó xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,0%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7%...

- Biểu đồ xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực:

Xuất khẩu tăng song chưa bền vững

Ở chiều ngược lại, đến hết 6 tháng, nhập khẩu ước đạt 120,78 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 51,66 tỷ USD, tăng 12,5%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 69,12 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Thống kê cho thấy, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất, đạt 23,87 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2018;

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cũng tăng mạnh 12,5%, đạt 17,54 tỷ USD. Ngoài ra, nhập khẩu vải các loại đạt 6,55 tỷ USD, tăng 4,4%; Sản phẩm từ chất dẻo tăng 7,4%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày tăng 5,1%....

Với kết quả trên, tính chung 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với thặng dư khoảng 1,64 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu tới gần 15 tỷ USD và xuất siêu lại đến từ khu vực FDI với con số xấp xỉ 16,6 tỷ USD.

Nhìn tổng thể, đại diện Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu qua các tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước song chưa thực sự bền vững.

Thể hiện rõ nhất là cán cân thương mại vẫn có xu hướng đảo chiều qua các tháng và chưa đạt được mức ổn định. Hơn nữa, tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Chính điều này khiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra từ đầu năm vào khoảng 123,5 tỷ USD.

Như vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng từ 8 -10% Chính phủ giao cho ngành Công Thương (tương đương 263 tỷ USD), xuất khẩu 6 tháng cuối năm phải đạt bình quân từ 23 tỷ USD- 23,4 tỷ USD.

Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018, trong khi đó tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng được cho không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.

“Dù vậy, với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra,” đại diện Bộ Công Thương cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục