Thu nhập trung bình cao, Indonesia sẽ không còn được G20 giãn nợ

Indonesia hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình cao, mức thu nhập cộng đồng đã tăng lên tới 4.050 USD người/năm, nên sẽ không còn được giãn nợ tạm thời từ G20.
Thu nhập trung bình cao, Indonesia sẽ không còn được G20 giãn nợ ảnh 1Một góc Jakarta, Indonesia. (Nguồn: AFP)

Ngày 21/7, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết Indonesia sẽ không còn được giãn nợ tạm thời từ Nhóm các nền kinh tế mới phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 bởi mức giảm chỉ áp dụng cho các nước thu nhập thấp và nghèo.

Trong khi đó, Indonesia hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình cao, mức thu nhập cộng đồng đã tăng lên tới 4.050 USD người/năm.

Bà Sri Mulyani Indrawati cũng cho biết hiện nay, do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thu nhập thấp đã bị thâm hụt tài khóa do đã phân bổ ngân sách cho ngành y tế và kinh tế để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19. Indonesia không phải là ngoại lệ, nhưng Indonesia đang ở một vị trí mới, nên không được giãn nợ thêm.

Chính sách giãn nợ nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp và người nghèo chịu tác động của khủng hoảng COVID-19. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nước thu nhập thấp và nghèo có nguồn tài chính hạn chế, chưa kể đến nghĩa vụ nợ vẫn tiếp tục tồn tại theo thời gian nên cũng khó khăn cho việc vay thêm nguồn tài chính. Đây là vấn đề đáng lo ngại của thế giới.

[Indonesia phê duyệt gói kích thích 10 tỷ USD cho các công ty nhà nước]

Theo chuyên gia về kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế Bộ Tài chính Indonesia Suminto, hiện có 42 quốc gia đã đề xuất được giãn nợ với tổng nợ lên tới 5,3 tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất kéo dài thời gian giãn nợ và sẽ các chủ nợ thảo luận lại.

Trong khi đó, dữ liệu từ một số tổ chức từ thiện trên thế giới như Oxfam, Christian Aid và Global Justice Now đã ghi nhận số nợ phải trả của 73 nước nghèo nhất thế giới vào cuối năm 2020 lên tới 33,7 tỷ USD. Hiện các đề xuất được đưa ra, theo đó G20 có thể giúp giãn nợ cho đến năm 2021 hoặc 2022.

Trước đó, WB đã xếp Indonesia vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao kể từ ngày 1/7/2020 khi tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của quốc gia Đông Nam Á này tăng lên 4.050 USD vào năm 2019 từ mức 3.840 USD trước đó.

WB phân loại các quốc gia dựa trên GNI bình quân đầu người theo 4 nhóm gồm các nước có thu nhập thấp (1.035 USD), các nước có thu nhập trung bình thấp (1.036-4.045 USD), các nước có thu nhập trung bình cao (4.046-12.535 USD) và các nước có thu nhập cao (hơn 12.535 USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục