Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành "xắn tay áo" giúp TP Hồ Chí Minh

Thủ tướng nêu rõ “Trung ương không đứng ngoài cuộc những thách thức của Thành phố Hồ Chí Minh” và yêu cầu các bộ ngành Trung ương “xắn tay áo” để “gắn trách nhiệm của mình” với thành phố.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành "xắn tay áo" giúp TP Hồ Chí Minh ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về kinh tế-xã hội và một số vấn đề tăng trưởng của thành phố. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 23/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá tình hình và xác định những mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm của thành phố nửa cuối năm 2017 trong bối cảnh chỉ tiêu tăng trưởng chung của kế hoạch năm 2017 của cả nước.

Buổi làm việc diễn ra tại Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ: “Trung ương không đứng ngoài cuộc những thách thức của thành phố” và yêu cầu các bộ ngành Trung ương “xắn tay áo” để “gắn trách nhiệm của mình” với tình cảm và trách nhiệm cao nhất cùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Giữ vững vị trí đầu tầu kinh tế của cả nước

Sáu tháng đầu năm 2017 tiếp tục ghi nhận những thành tích vượt mức về kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh - động lực tăng trưởng chính của cả nước với nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,76% (cùng kỳ đạt 7,47%); trong đó, lĩnh vực dịch vụ (chiếm tỷ trọng 58,2% trong cơ cấu kinh tế của thành phố) tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 7,4%. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,2%; nông nghiệp tăng 5,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ ước đạt 451.003 tỷ đồng, tăng 10,3%. Du lịch tăng trưởng tốt, tổng lượng khách quốc tế đến thành phố đạt 2,8 triệu khách, tăng 14,7%, doanh thu đạt hơn 53 ngàn tỷ đồng, tăng 12%.

Đại diện các bộ, ngành cho rằng với vị trí địa lý đặc biệt, trung tâm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, Thành phố Hồ Chí Minh đã là một điểm đến hết sức hấp dẫn của các nhà đầu tư. Vấn đề đặt ra là cần lựa chọn những dự án phù hợp, ưu tiên những chương trình cấp thiết để tạo đà cho sự tăng trưởng của thành phố.

Các bộ, ngành cũng góp ý đối với thành phố không chỉ nên tăng cường phân cấp quản lý theo mô hình từ trung ương đến địa phương mà còn cần bổ sung phân cấp từ thành phố đến cấp cơ sở. Cùng với đó là hoàn thiện khung khổ chính sách tránh để cho thành phố mặc “một chiếc áo quá chật”, tháo gỡ các vướng mắc để tăng trưởng thuận lợi và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động xây dựng các công trình bên trong sân golf Tân Sơn Nhất. Dự kiến ngày mai (24/6), Bộ sẽ họp bàn giải quyết, tinh thần là chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.

Cho ý kiến về vấn đề này, tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Với đề án xây dựng sân bay Long Thành thì phải đến năm 2025-2027 mới có thể hoàn thành nên trước tiên vẫn là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Chính phủ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm kiếm chuyên gia, tổ chức đánh giá khoa học phù hợp để nhanh chóng thực hiện dự án này".

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố cam kết phấn đấu nỗ lực đạt mục tiêu phát triển kinh tế như kế hoạch đề ra, thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung cải cách hành chính trong đó, sẽ phấn đấu triển khai việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại một cửa vào tháng 9 này. Ngoài ra, thành phố sẽ quyết liệt xử lý các vấn đề đang gây bức xúc như rác thải, ùn tắc giao thông...

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay lượng công việc mà đội ngũ cán bộ công chức thành phố đang phải đảm đương là rất lớn. Bình quân một công chức thành phố đang phục vụ 700 người dân, mức năng suất này gấp đôi so với ở địa phương khác.

Trung ương không đứng ngoài cuộc trước những thách thức của Thành phố Hồ Chí Minh

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến những đóng góp to lớn của Thành phố Hồ Chí Minh sau 30 năm đổi mới và trong 6 tháng đầu năm 2017 với nhiều chỉ tiêu đứng đầu cả nước như tăng trưởng GDP, thu ngân sách. Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn là nơi khởi xướng những ý tưởng đột phá về kinh doanh, khoa học công nghệ, mô hình sản xuất từ đó lan tỏa rộng rãi ra cả nước. GDP của thành phố đạt tỷ lệ từ 52,4 đến 52,7% cả nước; nhất là sức lao động gấp 2,9 lần cả nước; thu ngân sách chiếm gần 30% tổng ngân sách cả nước, luôn luôn là địa phương điều tiết lớn nhất về trung ương; kim ngạch xuất khẩu chiếm 18% toàn quốc.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về xu thế năng động của thành phố với thành phần kinh tế tư nhân đang là động lực rất mạnh dẫn dắt sự tăng trưởng của thành phố và cho rằng những thành tựu của thành phố là tương đối toàn diện, tích cực về mọi mặt.

Phân tích những khó khăn, thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt, Thủ tướng chỉ rõ thành phố đang gặp khó khăn trong việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2017. Nếu như nửa đầu năm đạt 7,76 thì 6 tháng còn lại và những năm tiếp theo phải đạt 8,5%. Đây là mục tiêu rất lớn.

"Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn thì cả nước gặp khó khăn, điều này cũng thể trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh với cả nước, nhất là tăng trưởng chung," Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành "xắn tay áo" giúp TP Hồ Chí Minh ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng cũng cho rằng chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố đang tụt hạng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố; có 4 chỉ tiêu dưới trung bình nhiều năm liên tục như chi phí không chính thức, sự cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và tính năng động của hệ thống. Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý: diện tích đất nông nghiệp chiếm 45% tổng diện tích nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu GDP.

[Cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP.HCM]

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với những vấn đề bức xúc như úng ngập, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, khói bụi, ô nhiễm, tắc nghẽn... làm giảm tính cạnh tranh của thành phố. Những thách thức của thành phố gắn với định hướng phát triển một siêu đô thị mà nếu không có quyết tâm cao trong tư duy và hành động thì thành phố sẽ tụt hậu, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung tháo gỡ những nút thắt về kinh tế-xã hội, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương; tiếp tục đi đầu đổi mới sáng tạo.

Về quan điểm phát triển, Thủ tướng chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố toàn cầu, hội tụ Đông Tây, đề cao giá trị nhân văn, giữ gìn văn hóa phương Nam của người Việt; khẳng định vị thế quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Nói về tầm nhìn của thành phố, Thủ tướng nhắc lại Thành phố Hồ Chí Minh phải là một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa, là động lực cho phát triển bền vững và đầu tầu cho cả nước trong hội nhập sâu rộng có hiệu quả của nền kinh tế khu vực và thế giới. Cần một tư duy rất lớn để thực hiện tầm nhìn này, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ các giá trị cốt lõi của Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm đô thị với cơ sở hạ tầng thông minh, quản lý thông minh, đề cao kỹ trị, tôn trọng tiếng nói của người dân, xây dựng con người văn hóa... Thành phố phải tăng trưởng bao trùm; mọi người dân phải hưởng lợi công bằng trong mọi thành phần kinh tế, bình đẳng về cơ hội phát triển, môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho bất kỳ ai có ý chí vươn lên.

Thành phố Hồ Chí Minh phải là nơi năng động, hội nhập, phát triển trong đa dạng, môi trường đầu tư hướng đến các chuẩn mực OECD, là nơi rộng mở dung nạp các giá trị châu Á và thế giới. Cùng với đó là phát huy bản sắc, xây dựng thương hiệu Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, có chiều sâu văn hóa, luôn trân trọng ghi nhớ phát huy các giá trị di sản trong quá trình phát triển...

Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu then chốt của thành phố là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững thực thi mục tiêu công bằng, không để người dân nào đứng bên lề của sự phát triển.

Thủ tướng mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh phải có tầm nhìn xa về quy hoạch thành phố và đổi mới cách làm quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thành phố phải rà soát điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất báo cáo Thủ tướng trong tháng 8; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch không gian; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thành phố phải là địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính và nằm trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước, cần tạo ra những đột phá mới trong đầu tư tư nhân.

Để thực hiện các chương trình này, Thủ tướng yêu cầu cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần đi tiên phong trong việc xây dựng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của cả nước; là trung tâm giáo dục, y tế quốc tế...

Thủ tướng đề nghị thành phố chủ động hơn nữa trong liên kết vùng với vai trò dẫn dắt. Cùng với đó là phát triển đô thị thông minh trên cơ sở thay đổi phương thức quản lý đô thị nhờ công nghệ mới trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng cũng đề nghị thành phố có cơ chế đánh giá cán bộ thực chất hơn làm mẫu cho cả nước; có phương thức đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân về môi trường kinh doanh, môi trường sống và chú trọng nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân.

Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Thủ tướng yêu cầu đội ngũ cán bộ chính quyền thành phố tích cực đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm.

“Chúng ta hãy vượt qua tâm lý an toàn là trên hết để chúng ta tìm cách đột phá, tìm những ý tưởng mới," "Chính phủ sẽ song hành với những cách làm mới của thành phố," Thủ tướng khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục