Thung lũng Silicon có thể mất dần vốn đầu tư từ Trung Quốc

Theo giới quan sát, việc chính quyền của Tổng thống Trump gia tăng kiểm duyệt các khoản đầu tư nước ngoài, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này.
Thung lũng Silicon có thể mất dần vốn đầu tư từ Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Các chuyên gia về đầu tư mạo hiểm và nhiều lãnh đạo của các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon cho rằng việc Tổng thống Donald Trump chặn thương vụ hãng cung ứng chip Wi-Fi Broadcom có trụ sở tại Singapore mua lại nhà sản xuất chip điện tử dùng trong các thiết bị di động hàng đầu thế giới Qualcomm của Mỹ có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của Mỹ.

Theo giới quan sát, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump gia tăng kiểm duyệt các khoản đầu tư nước ngoài, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ, trên thực tế có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này trong ngành công nghệ toàn cầu.

Các doanh nghiệp Trung Quốc là những nhà đầu tư quan trọng và đôi khi còn là khách hàng của các startup của Mỹ. Những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực Internet như Tencent và Alibaba đã đầu tư lớn vào nhiều doanh nghiệp tư nhân của Mỹ, như các công ty kinh doanh dịch vụ chia sẻ xe Lyft và Uber, cũng như ứng dụng nhắn tin Snap.

[Mỹ lo ngại nguy cơ an ninh ở thương vụ thâu tóm Broadcom-Qualcomm]

Theo công ty dữ liệu CB Insights, năm 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc góp mặt trong 165 thương vụ đầu tư vào các startup công nghệ của Mỹ, thấp hơn con số 188 thương vụ trong năm 2015.

Tổng thống D.Trump hồi đầu tuần này đã ban hành một sắc lệnh nhằm ngăn chặn thương vụ thâu tóm Qualcomm của Broadcom do lo ngại an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa. Tổng thống D.Trump đã yêu cầu Broadcom và Qualcomm ngay lập tức và chấm dứt  vĩnh viễn thương vụ trên. Broadcom ngày 14/3 thông báo sẽ từ bỏ thương vụ mua lại Qualcomm, và cho biết đã thông báo với Ban Giám đốc của Qualcomm về việc rút đề nghị sáp nhập trị giá 117 tỷ USD. Nếu các bên "thuận mua vừa bán" và được chính phủ "bật đèn xanh," đây sẽ là thương vụ mua bán và tiếp quản lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ.

Ông Davis Sullivan, Giám đốc điều hành Alliance Development Group, đơn vị giúp các công ty công nghệ của Mỹ thâm nhập thị trường Trung Quốc, cho rằng việc Washington ngăn chặn thương vụ nói trên có thể sẽ cắt đứt những cơ hội thị trường, các liên minh chiến lược, cũng như các nguồn vốn quan trọng trong tương lai đối với các công ty công nghệ của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục