Tiền Giang: Vốn đầu tư 'đổ' vào khu, cụm công nghiệp tăng hơn 4 lần

Đến nay, các khu công nghiệp tại tỉnh Tiền Giang đã thu hút được 81 dự án FDI, 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 2,255 tỷ USD và trên 2.370 tỷ đồng.
Tiền Giang: Vốn đầu tư 'đổ' vào khu, cụm công nghiệp tăng hơn 4 lần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đến đầu tháng Chín này, tỉnh Tiền Giang đã thu hút thêm được 10 dự án đầu tư mới vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng vốn đăng ký trên 834 tỷ đồng, tăng gấp 4,68 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 81 dự án FDI, 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 2,255 tỷ USD và trên 2.370 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy đạt 91,6% tổng diện tích đất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho trên 93.000 lao động.

Các cụm công nghiệp cũng đã thu hút 7 dự án FDI, 73 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 153 triệu USD và trên 2.415 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lấp đầy 83,4% tổng diện tích đất công nghiệp và tạo công ăn việc làm cho trên 17.000 lao động.

Cùng với đó, tỉnh cũng phát triển thêm được 588 doanh nghiệp mới, tăng trên 62% so cùng kỳ năm trước và thêm hơn 700 hộ kinh doanh thành lập mới, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển thêm 3 khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân Phước 2 (huyện Tân Phước) và Bình Đông (thị xã Gò Công); 15 cụm công nghiệp tại các vị trí đắc địa ở các huyện, thành, thị xã trong toàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

[Trao quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án điện gió tại Tiền Giang]

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, để đảm bảo thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp liên tục giữ ở mức độ cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động, việc làm và an sinh xã hội, tỉnh đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022.

Các giải pháp này mở ra những cơ hội cho các doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư làm ăn, mở mang thương mại-dịch vụ và các ngành nghề thế mạnh của mình, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo.

Là tỉnh nằm ở khu vực sông Tiền và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang có vị trí đắc địa, thuận lợi trong giao thương và lưu thông, vận chuyển hàng hóa, trong làm ăn đối với các nhà đầu tư trong ngoài nước.

Tại đây, mạng lưới giao thông thủy bộ phát triển với các tuyến giao thông huyết mạch kết nối toàn vùng như: cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương-Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 60, Quốc lộ 50, tuyến sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo…

Đặc biệt, kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và doanh nghiệp thời gian qua được địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ; các khu-cụm công nghiệp với hạ tầng hoàn thiện được quy hoạch tại những vị trí thuận lợi giao thương, trên bến dưới thuyền.

Nguồn nhân lực dồi dào với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó trên 51,5% đã qua đào tạo, sẵn sàng đáp ứng cho các doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, cùng với đánh thức tiềm năng, thu hút nguồn lực đầu tư, địa phương chú trọng xây dựng chính quyền thân thiện, tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp song song với thực hiện các chính sách đồng bộ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh chú trọng tháo gỡ vướng mắc trong thúc đẩy đầu tư, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI, SIPAS… đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển hộ kinh doanh và khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện mạnh dạn thành lập doanh nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho kinh tế-xã hội địa phương.

Ngoài ra, tỉnh tích cực rà soát về đất đai, quy hoạch, hành lang pháp lý... đảm bảo các nhà đầu tư có đủ cơ sở pháp lý triển khai nhanh các dự án đầu tư đã được phê duyệt ngay sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư cần thiết cũng như ban hành và cập nhật danh mục các dự án mời gọi đầu tư, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết thêm ngay từ đầu tháng 9/2022, tỉnh đã công bố 59 dự án địa phương ưu tiên mời gọi đầu tư từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến lên đến 22.900 tỷ đồng.

Đây sẽ là cẩm nang cần thiết để doanh nghiệp, nhà đầu tư đối chiếu, nghiên cứu, cập nhật và lựa chọn lĩnh vực để đầu tư phù hợp với khả năng, sở trường, ngành nghề thế mạnh của mình mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục