Tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nền kinh tế Trung Quốc

Sau 6 tháng giảm liên tiếp, chỉ số PMI ngành chế tạo của Trung Quốc đã rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm, cảnh báo hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp. và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nền kinh tế Trung Quốc ảnh 1Một quầy hàng trong siêu thị ở thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những nhân tố khó khăn thực sự, áp lực tăng trưởng giảm tốc gia tăng, đòi hỏi những bước đi đồng bộ, bao gồm cả tư duy mới để phù hợp với tình hình mới.

Nỗi lo đến từ việc sản xuất bị thu hẹp

Tháng 9/2021, tốc độ đi xuống của ngành chế tạo Trung Quốc đã giảm bớt. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành chế tạo đạt 49,6 điểm, giảm 0,5 điểm so với tháng Tám và thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Như vậy, sau 6 tháng giảm liên tiếp, chỉ số PMI ngành chế tạo của Trung Quốc đã rơi xuống dưới ngưỡng 50 điểm, cảnh báo hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân sản xuất thu hẹp là do nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc thực hiện chính sách “kiểm soát tiêu thụ năng lượng kép." Đó là hạn chế sử dụng điện, hạn chế sản lượng đối với các doanh nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, có độ phát thải cao. Số liệu cho thấy bị ảnh hưởng bởi chính sách “kiểm soát tiêu thụ năng lượng kép," chỉ số sản xuất và chỉ số đơn đặt hàng mới của các ngành sử dụng nhiều năng lượng như xăng dầu, than và chế biến nhiên liệu khác, sợi hóa học, chế phẩm cao su và nhựa, tinh luyện và gia công cán ép kim loại đen… đều thấp hơn 45 điểm, cho thấy những ngành nghề có mức tiêu thụ năng lượng cao giảm cả về cung lẫn cầu.

Tuy nhiên, hạn chế sử dụng điện và hạn chế sản lượng chỉ là một trong nhiều nhân tố khiến Chỉ số PMI tháng Chín của ngành chế tạo Trung Quốc bị sụt giảm, cho dù khôi phục lại lượng cung cấp điện cũng không xoay chuyển được tình thế.

Những khó khăn thực sự của nền kinh tế Trung Quốc không đơn giản chỉ đến từ chính sách “kiểm soát tiêu thụ năng lượng kép” mà còn là các phân khúc đầu vào (thượng nguồn) lẫn những khâu cuối cùng (hạ nguồn) trong chuỗi cung ứng, khiến áp lực tăng trưởng kinh tế giảm tốc tăng lên.

Khó khăn đầu tiên của kinh tế Trung Quốc là giá nguyên liệu đầu vào của chuỗi công nghiệp tiếp tục tăng. Số liệu được báo điện tử Đa chiều dẫn lại cho thấy Chỉ số Giá mua các nguyên vật liệu chính và Chỉ số Giá xuất xưởng trong tháng Chín lần lượt ghi nhận 63,5 điểm và 56,4 điểm, cao hơn 2,2 điểm và 3 điểm so với tháng Tám.

Xem xét từ góc độ Chỉ số Giá mua các nguyên vật liệu chính có thể thấy tất cả các ngành nghề được điều tra đều cao hơn ngưỡng giới hạn, chi phí mua sắm của doanh nghiệp cơ bản đã tăng lên. Xem xét từ góc độ Chỉ số Giá xuất xưởng có thể thấy ngành tinh luyện và gia công cán ép kim loại đã tăng trên 70%, gia tăng áp lực đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hạ nguồn.

Do nguồn cung bị hạn chế, trong 2 tháng qua, giá than sử dụng cho nhiệt điện đã tăng hơn 50%. Ngoài ra, giá dầu khí toàn cầu cũng tiếp tục tăng lên. Gần đây, giá dầu mỏ quốc tế đã tăng lên mức cao kỷ lục trong 3 năm, giá khí thiên nhiên cũng leo lên mức đỉnh trong 10 năm. Sự thiếu hụt về nguồn cung năng lượng và việc giá năng lượng tiếp tục leo thang đang đe dọa khả năng hoạt động liên tục của sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc còn phải đối mặt với việc nhu cầu ở “hạ nguồn” tiếp tục suy yếu. Dữ liệu cho thấy Chỉ số Đơn đặt hàng mới trong tháng Chín đạt 49,3 điểm, giảm 0,3 điểm so với tháng Tám, là tháng thứ hai liên tiếp ở vùng thu hẹp. Điều này phản ánh sự suy giảm chung của nhu cầu thị trường trong ngành sản xuất.

Trong bối cảnh lớn là đà hồi phục kinh tế chậm lại, tăng trưởng về thu nhập của người dân, doanh thu tài chính và lợi nhuận doanh nghiệp đều bắt đầu chậm lại. Đồng thời, sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế kìm hãm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của người dân cũng như của doanh nghiệp, tạo thành một vòng luẩn quẩn về phía cầu.

[Trung Quốc đang gắn mình với vị thế một siêu cường toàn cầu?]

Điều đáng quan tâm là nhu cầu yếu đồng nghĩa với việc giá nguyên liệu ở thượng nguồn tăng không thể truyền đến hạ nguồn một cách hiệu quả. Dữ liệu từ tháng Tám cho thấy mức chênh lệch giữa Chỉ số Giá sản xuất (PPI) và Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc ngày càng nới rộng, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục giảm xuống.

Một vấn đề nữa là giá thành tăng và nhu cầu giảm khiến hoạt động của một lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn. Dữ liệu cho thấy trong tháng Chín, chỉ số PMI của các doanh nghiệp lớn đạt 50,4 điểm, nghĩa là vẫn ở khu vực phản ánh hoạt động sản xuất được mở rộng. Ngược lại, chỉ số PMI của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 47,5 điểm và 49,7 điểm, thấp hơn 0,7 điểm và 1,5 điểm so với tháng Tám, đều trong khu vực phản ánh hoạt động sản xuất bị thu hẹp.

Theo chuyên gia phân tích số liệu thống kê cao cấp Triệu Khánh Hà thuộc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, có hơn 40% doanh nghiệp nhỏ phản ánh rằng họ đang phải đối mặt với tình trạng chi phí nguyên liệu thô cao, căng thẳng về dòng tiền và thị trường thiếu hụt nhu cầu. Một bộ phận doanh nghiệp nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất.

Vấn đề không bó hẹp trong ngành sản xuất

 Nhìn chung, chỉ số PMI ngành chế tạo tháng Chín đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nền kinh tế Trung Quốc và xu hướng đi xuống của nền kinh tế ngày càng rõ ràng hơn. Nhưng khó khăn đối với nền kinh tế không chỉ bó hẹp trong ngành sản xuất.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters mới đây, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học tài chính Trung Quốc Lưu Thượng Hi cho rằng áp lực đi xuống của kinh tế Trung Quốc đang tăng lên. Khó khăn bao gồm kỳ vọng dài hạn về kinh tế xã hội không ổn định, xã hội thiếu sức sống và kinh tế thiếu động lực. Nông dân không còn mong muốn di chuyển tới thành phố mạnh mẽ nữa, động lực thúc đẩy đô thị hóa từ dòng chảy dân số bị suy yếu. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khởi nghiệp khó khăn, tăng trưởng của kinh tế số giảm xuống, quy định giám sát quản lý các ngành nghề dẫn tới các nhân tố không các định, động lực đổi mới của doanh nghiệp cần được tăng cường.

Bên cạnh đó là trở ngại từ cơ chế, thể chế hiện nay khiến lưu thông không thông suốt, dẫn tới giá thành sản xuất tăng toàn diện. Theo chuyên gia Lưu Thượng Hi, đặc trưng của nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc hiện nay chính là giá thành phát triển, giá thành sinh hoạt, giá thành vĩ mô và giá thành vi mô gia tăng toàn diện. Giá thành hiện nay tăng ở mọi lĩnh vực, chứ không bó hẹp trên một phương diện nào đó.

Lưu thông không thông suốt chủ yếu liên quan đến sự cản trở của cơ chế và thể chế. Vì thế, việc cải cách thể chế và cơ chế càng trở nên quan trọng. Lưu thông không thông suốt, giá thành tăng cao dẫn tới rủi ro phân bổ sai nguồn lực, phân bổ sai lợi nhuận và phân bổ sai thời gian. Những vấn đề này trực tiếp liên quan tới việc đổi mới thể chế và cơ chế không theo kịp, mức độ cải cách không đủ.

Đâu là giải pháp?

 Trước tình huống kinh tế phức tạp như nêu trên, theo chuyên gia Lưu Thượng Hi, khó có thể tìm ra câu trả lời từ các sách giáo khoa lý thuyết kinh tế truyền thống. Do đó, chính sách kinh tế vĩ mô cần phải có tư duy mới, cân nhắc mới.

Chính sách vĩ mô không chỉ phải xem xét ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tránh biến động kinh tế, mà còn xem xét cách thức nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước từ góc độ dài hạn. Đồng thời, thế giới bây giờ là một thế giới rủi ro cao, con người không thể giảm rủi ro về 0, một số hành động vô tình lại có thể kích hoạt rủi ro mới. Cho nên, khi đối mặt với thực thế đó, lựa chọn duy nhất là cân nhắc và chuyển hóa rủi ro, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh đó, các chính sách cần tập trung vào các mục tiêu trung và dài hạn, chú trọng hơn đến rủi ro chiến lược và rủi ro dài hạn. Quan niệm chính sách kinh tế vĩ mô nên chuyển từ điều tiết kiểm soát vĩ mô đối với sự vận hành kinh tế trong ngắn hạn sang điều hành vĩ mô dựa trên việc tăng cường sức chịu đựng để phát triển. Trong quá trình phục hồi kinh tế cần chú ý tới mức độ phòng ngừa rủi ro và đánh giá sâu về tác dụng hai mặt của việc giám sát quản lý.

Tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nền kinh tế Trung Quốc ảnh 2Người dân mua hàng trong siêu thị ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chuyên gia Lưu Thượng Hi còn cho rằng cải cách cơ cấu hiện là biện pháp chính sách thuận lợi nhất để giảm mức độ rủi ro và giảm chi phí về mọi mặt. Vì vậy, cần phải tập trung giải quyết những mất cân đối về cơ cấu và sự lệch pha về nguồn lực trong nền kinh tế và xã hội. Việc áp dụng chính sách như thế nào nên cân nhắc tới tình trạng mất cân đối về cơ cấu và sự phân bổ sai nguồn lực hiện nay, chứ không chỉ dựa trên các mục tiêu ngắn hạn và sự ổn định ngắn hạn.

Ngoài ra cần phải hoàn thiện việc quản lý kỳ vọng, chú ý nắm chắc cường độ và tốc độ thực hiện chính sách. Điều hành kinh tế vĩ mô cần lưu ý tới tác động của kỳ vọng dài hạn lẫn kỳ vọng ngắn hạn, áp dụng biện pháp quản lý kỳ vọng đúng đối tượng, mục tiêu. Đồng thời phải cải cách sâu rộng một cách toàn diện, thúc đẩy sự đổi mới về cơ chế và thể chế, giảm thiểu và phòng ngừa trước chi phí phát triển gia tăng.

Cải cách sâu rộng hệ thống tài chính, sử dụng các phương thức như thị trường hóa để giảm chi phí tài chính. Cần tôn trọng vị thế chủ thể sáng tạo của các tổ chức tài chính, phát huy hết vai trò của công nghệ tài chính và sử dụng tài chính số để giải quyết những khó khăn trong quá khứ về huy động tài chính khó khăn, giá thành huy động tài chính cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục