Tiếp tục hoãn ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Nam Sudan

Các bên đối địch trong cuộc nội chiến tại Nam Sudan đã hoãn ký kết thỏa thuận sơ bộ về chia sẻ quyền lực do chưa nhất trí được về nội dung văn kiện này.
Tiếp tục hoãn ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Nam Sudan ảnh 1Binh sỹ Nam Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các bên đối địch trong cuộc nội chiến tại Nam Sudan đã hoãn ký kết thỏa thuận sơ bộ về chia sẻ quyền lực do chưa nhất trí được về nội dung văn kiện này.

Phát biểu với báo giới ngày 19/7, Ngoại trưởng Sudan Al-Dierdiry Ahmed cho biết quyết định hoãn ký văn kiện được đưa ra sau khi Chính phủ Nam Sudan gửi thư cho Chính phủ Sudan yêu cầu đưa thêm một số điều khoản vào thỏa thuận.

Trong khi đó, phe nổi dậy do cựu Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar đứng đầu cũng cho biết đang muốn thay đổi một số điều khoản, tuyên bố "sẽ không ký kết trừ khi những điều khoản mới được đưa vào thỏa thuận."

[Thỏa thuận mới trong nỗ lực giải quyết xung đột tại Nam Sudan]

Theo Ngoại trưởng Ahmed, các bên sẽ xem xét các điều khoản mới và sẽ công bố thời điểm ký kết sơ bộ thỏa thuận sau đó.

Tuy nhiên, ông khẳng định thỏa thuận cuối cùng vẫn sẽ được ký kết vào ngày 26/7 với sự chứng kiến của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.

Cuối tháng 6 vừa qua, Sudan đã đứng ra làm trung gian tổ chức một số vòng hòa đàm giữa hai phe đối lập tại Nam Sudan. Trong một vòng đàm phán ở Kampala ngày 7/7 vừa qua, các bên đã nhất trí về thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó tuân thủ lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút quân khỏi các khu vực đô thị.

Ngoài ra, ông Machar sẽ được phục hồi chức vụ Phó Tổng thống từng nắm giữ trước đây.

Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với những nỗ lực thúc đẩy hòa bình tại Nam Sudan của Sudan.

Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Sudan Omar al-Bashir tại Khartoum tối 19/7, ông al-Sisi nhấn mạnh Ai Cập mong muốn thúc đẩy hòa bình trong khi vực vì ổn định của khu vực là một phần không thể thiếu cho sự ổn định của Ai Cập.

Nội chiến tại Nam Sudan nổ ra từ tháng 12/2013 sau khi ông Kiir cáo buộc ông Machar âm mưu đảo chính khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải tha hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục