Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 8/10: Hơn 36,3 triệu ca nhiễm

Tính đến sáng 8/10, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 36.380.895 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.059.972 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 8/10 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 36.380.895 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.059.972 ca tử vong.

Số bệnh nhân phục hồi là 27.395.786 người, trong khi số người đang trong tình trạng nghiêm trọng và nguy kịch là 67.370 người.

Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.775.936 ca nhiễm và 216.760 ca tử vong. Mặc dù nhiều thành phố ở Mỹ đã siết chặt hoặc tái áp đặt các biện pháp chống dịch bệnh, số ca nhiễm mới ở Mỹ vẫn tăng ở mức cao, với 48.427 ca trong 24 giờ qua, trong đó 908 ca tử vong.

Ấn Độ có số ca mắc nhiều thứ hai thế giới và nhiều nhất châu Á, với 6.832.988 ca và 105.554 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 78.809 ca mắc mới và 963 ca tử vong. Iran - với 483.844 ca mắc trong đó 27.658 ca tử vong, có số ca mắc nhiều thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ nhưng nhiều nhất ở Trung Đông.

Brazil có số ca mắc nhiều thứ ba thế giới và nhiều nhất Nam Mỹ, với 5.002.357 ca mắc trong đó 148.304 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 31.404 ca mắc mới và 733 ca tử vong.

[Italy siết chặt phòng dịch, Hà Lan có số ca nhiễm cao nhất theo ngày]

Sau Brazil, Colombia và Argentina là những quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao trong khu vực, lần lượt là 877.683 và 840.915 ca, với số ca tử vong lần lượt 27.180 và 22.226 ca.

Nga có số ca mắc nhiều thứ tư thế giới và nhiều nhất châu Âu, với 1.248.619 và 21.865 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 11.115 ca nhiễm mới và 202 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 sáng 8/10: Hơn 36,3 triệu ca nhiễm ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau Nga, một số nước khác ở châu Âu như Pháp, Anh và Tây Ban Nha đang trong tình trạng báo động khi số ca mắc mới theo ngày tăng vọt, trong đó Pháp có 18.746 ca mắc mới, nâng tổng số lên 653.509 ca; Anh với 14.162 ca mắc mới, nâng tổng số lên 544.275, và Tây Ban Nha có 6.645 ca mắc mới, nâng tổng số lên 872.276 ca.

Tại Pháp, cùng với việc thủ đô Paris và 3 khu vực lân cận được đặt trong tình trạng báo động cao với các biện pháp tăng cường chống dịch, ngày 7/10, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo chính phủ sẽ áp đặt các quy định mới để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Tổng thống Macron nhấn mạnh: "Cần phải có những quy định mới cho những khu vực dịch bệnh diễn biến quá nhanh. Chúng ta cần phải có trách nhiệm với nhau. Chúng ta cần phải chăm sóc người cao tuổi. Hiện lực lượng y bác sĩ của chúng ta đang chịu áp lực rất lớn."

Mặc dù số ca mắc mới tại Đức không cao so với các nước lân cận, nhưng Chính phủ Đức và chính quyền các bang ở nước này ngày 7/10 đã nhất trí siết chặt các biện pháp kiểm soát nguồn lây nhiễm.

Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun đã họp trực tuyến với đại diện 16 bang và nhất trí rằng tình trạng lây nhiễm đang gia tăng mạnh ở Đức khi thời tiết bắt đầu lạnh.

Để đảm bảo ngăn chặn chuỗi lây nhiễm và truy vết tiếp xúc cũng như không để xảy ra tình trạng quá tải cho hệ thống y tế, các bang đã nhất trí thực thi nhất quán kế hoạch phòng chống lây nhiễm, theo đó áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với những khu vực bị coi là điểm nóng của dịch khi số ca nhiễm mới vượt 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngày 7/10, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thông báo quyết định lùi lịch trình tổ chức Hội nghị cấp cao Davos 2021 lần thứ 51 đến ngày ngày 18-21/5/2021, thay vì tháng 1/2021 theo kế hoạch ban đầu. Hội nghị dự kiến diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, thành phố Lucerne của Thụy Sĩ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục