Tổng thống Italy ra tòa làm chứng vụ "thỏa thuận ngầm" với mafia

Tổng thống Italy Giorgio Napolitano sẽ ra tòa làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử các quan chức chính phủ nước này có "thỏa thuận ngầm" với giới tội phạm mafia hồi những năm 1990.
Tổng thống Italy ra tòa làm chứng vụ "thỏa thuận ngầm" với mafia ảnh 1Tổng thống Italy Giorgio Napolitano. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin AFP của Pháp, ngày 28/10, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano sẽ ra tòa làm nhân chứng trong phiên tòa xét xử các quan chức chính phủ nước này có "thỏa thuận ngầm" với giới tội phạm mafia hồi những năm 1990.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Italy, một nguyên thủ quốc gia phải ra lấy lời khai trước tòa.

Vị Tổng thống 89 tuổi của Italy được thẩm phán triệu tập ra tòa để lấy lời khai nhằm tìm ra những bằng chứng mới chống lại một số quan chức chính phủ.

Giới truyền thông Italy cho biết có 10 bị can trong vụ án nói trên, trong đó có cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicola Mancino, cựu Thượng nghị sỹ Marcello dell'Utri, cùng ba quan chức cảnh sát hàng đầu và một số "bố già" như Toto Riina, Leoluca Bagarella và Antonio Cina, trong đó Toto Riina được cho là chủ mưu đặt hàng vụ đánh bom sát hại thẩm phán lừng danh Falcone.

Các công tố viên cáo buộc rằng sau khi hai thẩm phán chống mafia hàng đầu của Italy bị ám sát vào năm 1992, một số quan chức cấp cao Italy tham gia một cuộc dàn xếp bí mật với các ông trùm thế giới "ngầm", theo đó sẽ giảm tội, xét xử ít hơn và nới lỏng điều kiện giam giữ đối với các thành viên mafia, đổi lại bọn chúng chấm dứt tấn công bạo lực.

Dự kiến, trong phiên tòa kín ngày 28/10, bảy thẩm phán cùng chủ tọa phiên tòa đề nghị ông Napolitano trả lời khoảng 20 câu hỏi xung quanh nội dung các cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông khi đó đang giữ chức Chủ tịch Hạ viện và cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicola Mancino.

Các cáo buộc về sự cấu kết giữa giới chức Italy và mafia xuất hiện thương xuyên, song chỉ có một số trường hợp bị đưa ra xét xử và rất ít trường hợp bị kết án.

Dự kiến, phiên tòa lần này chỉ có thể đưa ra phán quyết vào cuối năm 2015, chưa kể đến quyền kháng cáo hai lần của các bị cáo trước khi phán quyết có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục