Tổng thống Mỹ cảnh báo trừng phạt các bên giao tranh tại Sudan

Ngày 4/5, Nhà Trắng đã công bố sắc lệnh hành pháp về việc áp đặt trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu tại Sudan, qua đó cho phép áp dụng các lệnh trừng phạt mới.
Tổng thống Mỹ cảnh báo trừng phạt các bên giao tranh tại Sudan ảnh 1Binh sỹ quân đội Sudan gác trên một tuyến đường ở thành phố Red Sea, Sudan, ngày 20/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi “cần chấm dứt” giao tranh kéo dài nhiều tuần qua tại Sudan, đồng thời cảnh báo sẽ trừng phạt.

Ông Biden nêu rõ: “Bạo lực diễn ra tại Sudan là thảm kịch, là sự phản bội lại nhu cầu rõ ràng của người dân Sudan về một chính phủ dân sự.”

Cùng ngày, Nhà Trắng đã công bố sắc lệnh hành pháp về việc áp đặt trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm về tình trạng đổ máu tại Sudan.

Sắc lệnh này chưa phải là lệnh trừng phạt, nhưng cho phép các trừng phạt mới có thể áp dụng.

Trước đó, ngày 3/5, quân đội Sudan tuyên bố họ đã đồng ý với sáng kiến do Cơ quan liên chính phủ vì phát triển (IGAD) đề xuất về việc kéo dài thỏa thuận ngừng bắn hiện tại thêm 7 ngày và chỉ định một đại diện của mỗi bên để tham gia đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn.

Tuyên bố của Các Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) nêu rõ: “SAF bày tỏ chấp thuận đề xuất dựa trên nguyên tắc giải pháp của châu Phi cho các vấn đề của châu lục và xem xét các khía cạnh nhân đạo đối với công dân Sudan, có tính đến sáng kiến đang được triển khai của Mỹ và Saudi Arabia.”

[AL kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn tại Sudan nhằm chấm dứt đổ máu]

SAF nhấn mạnh rằng họ hy vọng phía bên kia sẽ tuân thủ các yêu cầu của thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất.

Hiện Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) chưa đưa ra tuyên bố về sáng kiến nêu trên của IGAD.

Giới chức Sudan cho biết xung đột vũ trang từ ngày 15/4 giữa SAF và RSF đã cướp đi sinh mạng của hơn 550 người, làm hơn 4.900 người bị thương và khiến ít nhất 334.000 người phải đi sơ tán bên trong Sudan.

Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, khoảng 860.000 người sẽ được sơ tán đến các quốc gia láng giềng, bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Chad, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Ethiopia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục