TP.HCM: Đề xuất chính sách hỗ trợ cho ngành lương thực thực phẩm

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2021 diễn ra chiều 14/1, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đề xuất về cơ chế chính sách hỗ trợ trong phối hợp thực hiện các đề án phát triển của ngành.
TP.HCM: Đề xuất chính sách hỗ trợ cho ngành lương thực thực phẩm ảnh 1Thực phẩm tươi sống bày bán tại siêu thị Big C. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2021 diễn ra chiều 14/1, Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị các sở, ngành và thành phố cần tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển; đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ trong phối hợp thực hiện các đề án phát triển của ngành lương thực thực phẩm.

Trong số các đề án có thể kể đến Chương trình "Phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030;" "Phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi sản xuất ngành"...

Thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế chính sách phối hợp thúc đẩy nhanh chóng những chương trình này sẽ góp phần tạo cú hích cho ngành lương thực thực phẩm cũng như một số ngành liên quan phát triển trong thời gian tới.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm cho rằng các sở, ngành nên khởi động lại chương trình kết nối chuỗi giá trị giữa đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc những ngành khác nhau trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành phố lân cận nói chung sẽ tăng giá trị gia tăng hơn nữa cho nhiều ngành.

Điển hình như ngành cơ khí chế tạo sẽ hỗ trợ ngành chế biến thực phẩm về máy móc, thiết bị giá rẻ thay vì phải nhập khẩu toàn bộ với giá thành cao. Trước đây, chương trình này Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai rất hiệu quả.

Cùng với đó, phát huy hơn nữa vai trò trở thành đầu mối cung cấp đa dạng dịch vụ điều tra nghiên cứu thị trường và thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Từ đó, tiến tới tổ chức phong phú hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường trọng điểm trong và ngoài nước; đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết tạo chuỗi sản xuất-phân phối, kết nối vùng, ứng dụng thương mại điện tử...

[Nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất tới thị trường]

Về phía Hội Lương thực Thực phẩm, trong năm 2021 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển liên kết, hỗ trợ hội viên. Cụ thể, hướng đến xây dựng lực lượng doanh nghiệp hội viên nòng cốt, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đến đối tác tiềm năng. Đặc biệt, Hội tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi và giới thiệu cho doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận.

Năm 2020 khép lại với chỉ số phát triển công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm và đồ uống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm nhẹ ở mức 0,7% so với năm 2019.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả này được các doanh nghiệp lý giải là do phân ngành đồ uống giảm sâu với mức 5,7% khi chịu tác động kép từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng như đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, điểm sáng là phân ngành sản xuất chế biến lương thực thực phẩm tăng trưởng khả quan với mức tăng 2,2%, còn chỉ số tiêu thụ những sản phẩm chế biến thực phẩm tăng 4,3%. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến thực phẩm đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của bốn ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã chủ động và tích cực trong việc phủ kín hàng hóa tại kênh phân phối truyền thống, thực hiện chính sách bình ổn giá. Qua đó, ngành lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò kích cầu sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo sự yên tâm cho người dân trên địa bàn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục