Triết gia lập phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam ở Nhật qua đời

Triết gia nổi tiếng và nhà hoạt động vì hòa bình của Nhật Bản Shunsuke Tsurumi - một trong số những thành viên sáng lập và tích cực trong phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 93.
Triết gia lập phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam ở Nhật qua đời ảnh 1Ông Shunsuke Tsurumi. (Nguồn: japantimes.co.jp)

Theo phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản, triết gia nổi tiếng và nhà hoạt động vì hòa bình của Nhật Bản Shunsuke Tsurumi - một trong số những thành viên sáng lập và tích cực trong phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời vì chứng viêm phổi tại Bệnh viện Kyoto ngày 20/7, hưởng thọ 93 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành triết học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1942, ông Tsurumi giữ các vị trí phó giáo sư tại Đại học Kyoto và Học viện Công nghệ Tokyo. Triết gia Tsurumi tham gia hoạt động phê bình trên nhiều lĩnh vực với lập trường phóng khoáng và là nhân vật có ảnh hưởng to lớn đối với giới văn hóa và tư tưởng của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đặc biệt, ông là một trong số những thành viên sáng lập và tích cực trong phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam.

Năm 1960, ông từ chức để phản đối việc Quốc hội Nhật Bản thông qua Hiệp ước an ninh sửa đổi giữa Nhật Bản và Mỹ. Sau đó, triết gia Tsurumi là giáo sư tham gia giảng dạy tại Đại học Doshisha. Năm 1965, triết gia Tsurumi, nhà văn Makoto Oda, nhà văn Takeshi Kaiko và các thành viên khác đã lập nên phong trào thị dân mang tên “Ủy ban Hòa bình cho Việt Nam!”, được gọi tắt với cái tên quen thuộc bằng tiếng Nhật là Beheiren, để tìm kiếm hòa bình cho Việt Nam, nơi quân đội Mỹ đang tham chiến.

Phong trào Beheiren do Tsurumi Shunsuke và Makoto Oda dẫn đầu đã tạo ra được tiếng vang lớn tại Nhật Bản, hòa chung với phong trào phản chiến ở nhiều nước trên thế giới kêu gọi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Các thành viên sáng lập như Tsurumi Shunsuke đã đóng một vai trò hết sức quan trọng, vạch ra đường lối hoạt động và tư tưởng của phong trào.

Beheiren đã tiến hành nhiều hoạt động phản chiến phong phú và liên tục nhằm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Ngày 15/6/1969, Beheiren đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh lớn nhất ở Tokyo với sự tham gia của hơn 70.000 người.

Phong trào đã phát triển với 350 nhóm hoạt động trải rộng trên khắp Nhật Bản. Phương thức hoạt động và tổ chức của Beheiren tạo ảnh hưởng to lớn đối với các phong trào công dân về sau và trở thành một hình mẫu cho các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc cho các nước bị áp bức thời kỳ đó. Dấu ấn đáng nhớ nhất là sự kiện bốn lính Mỹ trốn khỏi Hàng không mẫu hạm Intrepid đang neo đậu ở phía Nam cảng Yokosuka. Sự kiện những người lính Mỹ từ bỏ quân ngũ để phản đối chiến tranh được gọi là Intrepid Four.

Các lính Mỹ này đã được tổ chức của Tsurumi bảo vệ và giúp vượt biên an toàn khỏi Nhật Bản. Sự kiện đã gây ra cơn địa chấn đối với dư luận thế giới và tạo được tiếng vang cho phong trào Beheiren. Sự kiện này đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kêu gọi lính Mỹ “hãy từ bỏ vũ khí về nhà."

Triết gia Tsurumi nghỉ giảng dạy tại Đại học Doshisha năm 1970 và tham gia viết sách triết học và các đề tài khác. Ông đạt nhiều giải thưởng về triết học của Nhật Bản với các tác phẩm nổi tiếng như Lịch sử tinh thần Nhật Bản thời chiến, Yumeno Kyusaku, Tư tưởng hậu chiến của Manga, Nghệ thuật luận giới hạn, Triết học Mỹ, Yanagi Soestu,…

Năm 2004, triết gia Tsurumi cùng với tiểu thuyết gia đạt giải Nobel Kenzaburo Oe và các nhân vật khác thành lập Hiệp hội Điều 9, một tổ chức nhằm bảo vệ Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, khước từ chiến tranh. Các tác phẩm kinh điển của triết gia Tsurumi được tập hợp thành tuyển tập Shunsuke Tsurumi toàn tập với tống số 17 cuốn.

Ông Shunsuke Tsurumi là cháu của Chính trị gia Shimpei Goto (1857-1929), người từng giữ chức Chủ tịch Công ty Đường sắt Nam Mãn Châu do Nhật Bản thành lập ở Đông Bắc Trung Quốc. Cha ông là Yusuke Tsurumi (1885-1973), từng giữ chức Bộ trưởng Y tế và là thành viên tại lưỡng viện của Quốc hội. Chị gái ông, bà Kazuko (1918-2006) là một nhà xã hội học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục