Triều Tiên vẫn có nhiều lựa chọn khi phải đối mặt với những thách thức

CNBC đưa tin mặc dù phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt của quốc tế song Triều Tiên vẫn có nhiều cách để kinh doanh, phục vụ cho tham vọng hạt nhân của nước này.
Triều Tiên vẫn có nhiều lựa chọn khi phải đối mặt với những thách thức ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

CNBC đưa tin mặc dù phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt của quốc tế song Triều Tiên vẫn có nhiều cách để kinh doanh, phục vụ cho tham vọng hạt nhân của nước này.

Các nhà lãnh đạo của quốc gia bị cô lập này từ lâu đã "nương tựa" vào đồng minh Trung Quốc để giảm bớt ảnh hưởng từ những biện pháp trừng phạt ngày càng cứng rắn của quốc tế. Tuy nhiên, mối quan hệ này gần đây cho thấy các dấu hiệu đang xấu đi.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên khi chiếm hơn 80% trong tổng số hoạt động giao thương của nước này, song các nhà phân tích cho rằng năm nay Bắc Kinh đã cương quyết hơn trong việc gây sức ép với đồng minh lâu năm.

Khi đối mặt với một Trung Quốc lạnh lùng, không bất ngờ khi Triều Tiên dự tính "đặt trứng vào những chiếc giỏ khác."

[Các thành phố lớn của Mỹ là mục tiêu tấn công hạt nhân của Triều Tiên]

Tháng Năm vừa qua, truyền thông nhà nước đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi lời chúc mừng năm mới tới Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vì Moskva từ lâu đã có quan hệ với Triều Tiên, do vậy Nga được cho là sẽ lại tăng sự can dự của nước này.

Tháng 10 vừa qua, một công ty viễn thông lớn của Nga thông báo sẽ cung cấp kết nối mạng cho Triều Tiên.

Ngoài ra, hai nước cũng mới đưa vào hoạt động dịch vụ phà trong tháng 5 để chuyển hàng hóa giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga.

Hơn nữa, hãng thông tấn nhà nước Nga đã loan báo kế hoạch mở rộng các tuyến đường sắt giữa hai nước.

Các học giả cho rằng sự ủng hộ của Moskva dành cho Bình Nhưỡng phục vụ cho một số mục đích chiến lược như thúc đẩy hình ảnh Moskva là một trung gian quốc tế cũng như củng cố hình ảnh một cường quốc ngay chính tại đất nước Nga.

Benjamin Katzeff Silberstein, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại chuyên về kinh tế Triều Tiên, nhận định: "Giao thương của Triều Tiên với các nước khác ngoài Trung Quốc, theo nhiều cách, chắc chắn sẽ nhiều hơn chúng ta nhận thấy. Nhất là với Nga, hoạt động này có thể sẽ gia tăng trong những năm tới phụ thuộc vào tình hình quốc tế diễn biến ra sao."

Về mặt chính thức, các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiêu là than đá và hàng dệt may song thực tế các thương vụ của nước này đã được mở rộng ra cả lĩnh vực bán vũ khí và xuất khẩu lao động.

Liên hợp quốc ước tính hơn 50.000 lao động Triều Tiên làm việc tại các quốc gia trên thế giới, hầu hết ở Trung Quốc và Nga. Chế độ của nhà lãnh đạo Kim đã thu về khoảng 1,2-2,3 tỷ USD từ xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, theo các nguồn tin Hàn Quốc, Triều Tiên còn giành được 300 triệu USD nhờ buôn bán vũ khí trong năm 2015. Danh sách khách hàng mua vũ khí của Triều Tiên có một cơ quan chính phủ Syria, Ai Cập, Yemen và Cuba.

Ngoài ra, quốc gia bí ẩn này đã có được những mối quan hệ thương mại sinh lợi với một vài quốc gia châu Phi, và hàng hóa được trao đổi giữa hai bên có giá trị lên tới hơn 100 triệu USD/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục