Trung Quốc bày tỏ mong muốn sớm tham gia Hiệp định CPTPP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cho biết chắc chắn sẽ cân nhắc việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trung Quốc bày tỏ mong muốn sớm tham gia Hiệp định CPTPP ảnh 1Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Kyodo đưa tin ngày 23/11, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn liên lạc với 11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cho biết chắc chắn sẽ cân nhắc việc tham gia hiệp định thương mại tự do này.

Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khả năng mở rộng thành viên "có thể nằm trong chương trình thảo luận" của các thành viên hiện nay của CPTPP, đồng thời hy vọng việc tham gia CPTPP của Trung Quốc sẽ sớm được thông qua.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không có khung thời gian nào cho việc Trung Quốc tham gia hiệp định này trong khi có những lo ngại các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và các thành viên CPTPP sẽ không suôn sẻ do những quy định tiêu chuẩn cao của CPTPP.

[Đâu là những hoài nghi và lo lắng sai lầm về Hiệp định CPTPP?]

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trực tuyến ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết "chắc chắn sẽ cân nhắc" ý tưởng tham gia CPTPP.

Trong khi đó, tờ Global Times ngày 21/11 cho rằng "quyết định cân nhắc tham gia" CPTPP của Trung Quốc đến "vào thời điểm nhiều nước đang cố gắng tránh xa chủ nghĩa bảo hộ mà Mỹ khởi xướng."

Tờ báo này cũng khẳng định sự tham gia của Trung Quốc vào CPTPP "có thể mang lại một cơ hội lớn" cho ngành công nghiệp dịch vụ và công nghệ cao cũng như nền kinh tế số của nước này.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có thể đáp ứng những quy định của CPTPP hay không. Những quy định này bao gồm cấm ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Các cuộc đàm phán CPTPP ban đầu có 12 thành viên và được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) song Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP vào năm 2017.

Hiệp định tiếp tục được 11 nước thành viên còn lại đàm phán và được đổi tên chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn được xem là nhằm đối phó với ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.

Các nước thành viên hiện nay của CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục