Trung Quốc mở cửa trở liệu có giúp nền kinh tế Hàn Quốc phục hồi?

Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết khả năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ nâng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc thêm 0,16 điểm phần trăm trong năm 2023.
Trung Quốc mở cửa trở liệu có giúp nền kinh tế Hàn Quốc phục hồi? ảnh 1Một quầy bán hải sản tại chợ ở Seoul (Hàn Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 và sự phục hồi kinh tế của nước này dự kiến sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc - theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA).

Các tổ chức toàn cầu đã dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, cao hơn so với mức tăng trưởng 3% của năm ngoái.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể đạt mức tăng trưởng 2,6% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1, và 6,9% trong quý 2 năm 2023, nhờ việc mở cửa trở lại sau chính sách “Không COVID” kéo dài và các gói kích thích kinh tế của Bắc Kinh.

Nếu dự đoán đó thành hiện thực, tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ nâng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc thêm 0,16 điểm phần trăm và xuất khẩu của nước này có thể tăng 0,55 điểm phần trăm trong năm nay - theo báo cáo của KITA.

Theo Chính phủ Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng 2,6% của năm 2022; và Hàn Quốc cần tận dụng tối đa việc quốc gia láng giềng mở cửa trở lại để vượt qua tình trạng xuất khẩu trì trệ - báo cáo cho biết.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD, chiếm 22,8% tổng kim ngạch xuất khẩu 683,8 tỷ USD của Hàn Quốc.

Thúc đẩy các chiến lược xuất khẩu mới

Phát biểu dịp đầu Năm mới vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kêu gọi thúc đẩy các chiến lược xuất khẩu mới nhằm đưa nước này vượt qua các cuộc khủng hoảng bên ngoài đang gây ra suy thoái kinh tế.

Trong thông điệp đưa ra ngày 1/1, Tổng thống Yoon cam kết sẽ đích thân tham gia vào các chiến lược xuất khẩu của quốc gia và tập trung vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế.

Ông Yoon nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực xuất khẩu ở Hàn Quốc, đồng thời cho rằng đã đến lúc phải thay đổi chiến lược xuất khẩu do các chính sách bảo hộ thương mại đang làm suy yếu các nỗ lực chung của thế giới nhằm giải quyết lạm phát và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

[Xuất khẩu chip của Hàn Quốc giảm mạnh, thâm hụt thương mại kéo dài]

Các chuyên gia dự báo rằng xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2023 sẽ giảm 4,5% do suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu chất bán dẫn giảm trên thị trường thế giới.

Chính vì điều này, chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu thông qua mở rộng tài trợ thương mại, gia tăng hiện diện của Hàn Quốc tại các thị trường mới nổi và các quốc gia giàu tài nguyên, đảm bảo duy trì đà tăng trưởng.

Cuối tháng 12 vừa qua, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch chính sách kinh tế năm 2023, trong đó chú trọng việc giải quyết lạm phát và phục hồi xuất khẩu trong bối cảnh nước này tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn từ bên ngoài.

Chính phủ nước này cho biết sẽ tăng tài trợ thương mại cho các nhà xuất khẩu nội địa từ mức 351.000 tỷ won (273 tỷ USD) hiện nay lên mức kỷ lục 360.000 tỷ won (276 tỷ USD) - để thực hiện mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu.

Chính phủ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước giành được các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài với mức hỗ trợ 50 tỷ USD mỗi năm để trở thành nhà xây dựng lớn thứ tư thế giới vào năm 2027.

Trung Quốc mở cửa trở liệu có giúp nền kinh tế Hàn Quốc phục hồi? ảnh 2Các container hàng hóa tại cảng Busan (Hàn Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một diễn biến liên quan, theo các chuyên gia, năm mới 2023 được kỳ vọng sẽ là năm bước ngoặt quyết định việc Hàn Quốc có lọt vào nhóm 5 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (G5) hay không.

Giới phân tích cho rằng nếu đổi mới thành công bộ khung lỗi thời đang làm xói mòn năng lực cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực của Hàn Quốc như thuế, chính trị, lao động, giáo dục và hành chính, Hàn Quốc có thể vươn lên ngang hàng với các cường quốc kinh tế G5 hiện nay như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, thời điểm của bước nhảy vọt vào G5 của Hàn Quốc dự kiến sẽ là năm 2035 - khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có khả năng vượt qua Pháp - và sau đó vượt qua Nhật Bản vào năm 2039.

Để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, Hàn Quốc phải đáp ứng các điều kiện cải thiện tốc độ tăng trưởng năng suất, hiện ở mức khoảng 1%/năm, lên mức 3,6% của Đài Loan (Trung Quốc) trong vòng 10 năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục