UN Women Viet Nam: Mong muốn phụ nữ Việt Nam được chia sẻ nhiều hơn

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Trưởng đại diện UN Women Viet Nam, bà Fernandez mong muốn phụ nữ Việt Nam được chia sẻ việc chăm sóc gia đình, con cái và việc nhà để có thêm cơ hội làm việc, học tập
UN Women Viet Nam: Mong muốn phụ nữ Việt Nam được chia sẻ nhiều hơn ảnh 1Bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam. (Nguồn: UN Women Vietnam)

Trong thành công về thúc đẩy vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2020 không thể không nhắc tới vai trò đồng hành, hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam.

Nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam và mùa Xuân đang về khắp mọi nơi, bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về công việc của bà tại Việt Nam trong hơn 3 năm qua và những thông điệp gửi tới người dân Việt Nam.

- Thưa bà, UN Women vừa kỷ niệm 10 năm thành lập. Trong thời gian này, theo bà đâu là thành tựu nổi bật của UN Women tại Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez: Trong những năm qua nếu nói về thành công của UN Women, có lẽ, dấu ấn quan trọng nhất là chúng tôi đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam. Và thành công của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới chính là thành công của chúng tôi.

Chúng tôi đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc củng cố các hệ thống pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để thúc đẩy bình đẳng giới. Một trong những tiêu chuẩn quốc tế quan trọng nhất đó là CEDAW - Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Công ước này đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn năm 1982. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước và đang tiếp tục thực hiện.

Việc thứ hai, chúng tôi không chỉ hỗ trợ cho Việt Nam trong việc tự mình thiết kế, xây dựng các chính sách, luật pháp mà còn hỗ trợ thực thi các chính sách, đưa ra các hướng dẫn hoặc các nghiên cứu về bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái.

Để thực hiện những công việc này, UN Women hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính lẫn kỹ thuật.

Chúng tôi còn là một đơn vị cầu nối giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phát triển hoặc các đại sứ quán để mang những kinh nghiệm cũng như năng lực về mặt kỹ thuật từ bên ngoài hỗ trợ Chính phủ Việt Nam làm tốt hơn trong thực thi và cải thiện các chính sách.

Trong giai đoạn COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, UN Women đã và đang hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Chiến lược này sẽ thay thế cho chiến lược giai đoạn 2011-2020 vừa kết thúc.

10 năm trước, khi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đầu tiên của Việt Nam được ban hành, UN Women đã có những hỗ trợ trong quá trình xây dựng, thực thi Chiến lược. Và bây giờ chuẩn bị cho chiến lược 10 năm tiếp theo, đây là một sự tiếp nối cho cả một quá trình nỗ lực rất dài của Chính phủ Việt Nam và UN Women hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Trong các lĩnh vực mà UN Women hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, tất cả đều nhằm mục tiêu xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, chúng tôi tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, với 5 lĩnh vực.

Thứ nhất, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Lĩnh vực này có hai cấu phần là phòng và chống. Đối với phòng ngừa, UN Women có một số chiến dịch, chương trình hỗ trợ, đáp ứng khả năng những nạn nhân bị bạo lực tiếp cận công lý.

Thứ hai, hỗ trợ cho trao quyền kinh tế cho phụ nữ, nâng cao khả năng và tiếng nói của phụ nữ trong các lĩnh vực về kinh tế, phát triển kinh tế.

Thứ ba, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trọng tâm của lĩnh vực này là để cho tiếng nói của phụ nữ và năng lực của họ được ghi nhận trong các công việc liên quan đến ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chúng tôi đã làm việc rất nhiều với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở lĩnh vực này. Một trong những thành công là năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Phòng, chống thiên tai quốc gia.

Thứ tư là tăng cường khả năng lãnh đạo của phụ nữ Việt Nam qua việc tăng tỷ lệ nữ tham gia chính trị và lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực.

Thứ năm là đảm bảo nguyên tắc không bỏ ai lại phía sau. Đây là nguyên tắc trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đấy các vấn đề giới được lồng ghép vào tất cả các lĩnh vực và đảm bảo những nhóm phụ nữ khác nhau đều nhận được hỗ trợ.

- Thưa bà, nguyên nhân nào dẫn tới thành công của UN Women tại Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez: Sự thành công của UN Women là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Thứ nhất, chúng tôi có một đội ngũ nhân viên rất nhiệt huyết và cam kết hành động thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Đa phần những nhân viên làm việc tại Văn phòng UN Women là người Việt Nam.

Thứ hai, một yếu tố rất quan trọng, đó là Chính phủ Việt Nam đã cam kết, tham gia ký kết rất nhiều các công ước, thỏa thuận toàn cầu về bình đẳng giới.

[Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2020: Trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ]

Ví dụ như CEDAW, tôi đã đề cập ở trên; Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất về các vấn đề về phụ nữ và được ký kết trong Hội nghị phụ nữ lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995 và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia ký cũng như thực thi cương lĩnh này.

UN Women Viet Nam: Mong muốn phụ nữ Việt Nam được chia sẻ nhiều hơn ảnh 2Bà Elisa Fernandez trong một sự kiện kêu gọi bình đẳng giới. (Nguồn: UN Women Vietnam)

Yếu tố thứ ba là, chúng tôi có mối quan hệ rất thân thiết với rất nhiều các đối tác khác nhau. Ngoài đối tác Chính phủ, chúng tôi có các đối tác là các tổ chức xã hội dân sự, các khối doanh nghiệp, các đối tác phát triển.

Với sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới, chúng ta cần phải có sự tham gia của rất nhiều bên và UN Women đóng vai trò là đơn vị kết nối, xây dựng các mối quan hệ rất thân thiết để cùng nhau nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.

Yếu tố cuối cùng là chúng tôi có kinh nghiệm, kỹ thuật và rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới không những ở Việt Nam, khu vực mà trên toàn cầu. Và chúng tôi mang những kinh nghiệm cũng như các kiến thức chuyên môn đến hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam.

Có thể lấy một số ví dụ như gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bạo lực giới. Đây là gói hỗ trợ có sự đóng góp, nỗ lực từ rất nhiều bên. Chúng tôi đã mang chương trình này đến Việt Nam và thử nghiệm tại tỉnh Bến Tre.

- Nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam, xin hỏi cảm nhận của bà về Tết ở Việt Nam và bà có thông điệp hay lời chúc nào gửi đến người dân Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez: Trước hết, tôi cần phải nói rằng, đất nước Việt Nam rất đẹp, người dân ở đây thân thiện đồng thời lại có khí hậu tương đồng với đất nước Costa Rica, nên với tôi, sống và làm việc ở Việt Nam luôn có cảm giác như đang ở quê nhà.

Tết Nguyên đán là một dịp lễ mang ý nghĩa tuyệt đẹp ở Việt Nam, khi các gia đình quây quần bên nhau. Họ trở về từ nhiều miền khác nhau của Tổ quốc để cùng sum vầy, đón Tết, tận hưởng thành quả của những nỗ lực trong năm vừa qua và ăn những món ăn tuyệt ngon của Việt Nam như là bánh chưng, mứt hoa quả, thịt kho.

Các bạn còn trang trí rất đẹp với những cành đào. Vì thế đây là một khoảng thời gian tuyệt vời, khi mọi người cùng đón Tết và chia sẻ với nhau.

Những dịp Tết trước, tôi đã có cơ hội trải nghiệm không khí Tết cố truyền Việt Nam ở những vùng miền khác nhau. Nhưng năm nay, tôi sẽ dành phần lớn thời gian ở Hà Nội.

Năm nay có thể mọi người chỉ liên lạc qua điện thoại, qua các ứng dụng công nghệ, nhưng dù sao, mọi người vẫn bên nhau và điều đó rất tuyệt vời.

Nhân nói đến Tết cổ truyền Việt Nam, tôi mong muốn người phụ nữ Việt Nam sẽ được giải phóng khỏi những công việc mà chúng tôi gọi là việc làm không lương.

Đó là chăm sóc gia đình, con cái, làm việc nhà… bên cạnh gánh nặng công việc bên ngoài xã hội. Nếu như người nam giới chia sẻ những gánh nặng này, người phụ nữ sẽ có thời gian nghỉ ngơi và có thể theo đuổi nhiều hơn những cơ hội việc làm, học tập.

Đây chính là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới người dân Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi trong dịp Tết, chúng ta sẽ có rất nhiều công việc trong gia đình mà theo truyền thống Việt Nam, người phụ nữ sẽ phải gánh vác nhiều việc như đi chợ, nấu ăn, chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết cho đến dọn dẹp nhà cửa...

UN Women Viet Nam: Mong muốn phụ nữ Việt Nam được chia sẻ nhiều hơn ảnh 3Bà Elisa Fernandez mong muốn phụ nữ Việt Nam được chia sẻ nhiều hơn nữa. (Nguồn: UN Women Vietnam)

Sẽ thật tuyệt vời nếu trong dịp Tết năm nay, chúng ta khuyến khích những người nam giới cùng chia sẻ việc nhà nhiều hơn với phụ nữ để cả gia đình cùng đón Tết.

Hiện nay, trên fanpage của UN Women ở Việt Nam, chúng tôi đã đăng một chủ đề mời gọi mọi người chia sẻ những công việc mà phụ nữ và nam giới cùng làm trong dịp Tết với thông điệp: “Việc nhà không phải trách nhiệm của riêng ai, hãy cùng sẻ chia để đón Tết ấm áp bên nhau bạn nhé!”

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, đằng sau mỗi người phụ nữ thành công luôn có sự hỗ trợ của nam giới và gia đình.

Một lần nữa, nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Việt Nam, tôi muốn gửi tới các gia đình Việt Nam những lời chúc mừng hạnh phúc. Chúc mọi người đón một cái Tết, nhiều niềm vui và bình an./.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Clip Trưởng đại diện  UN Women Vietnam gửi thông điệp và chúc Tết Nguyên đán Tân sửu 2021:

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục