Ứng phó cơn bão số 14: PVN chủ động bảo vệ công trình dầu khí

Trên các giàn khai thác, các đơn vị đã thực hiện gia cố thiết bị, chằng buộc vật tư, thực hiện kế hoạch di chuyển cán bộ công nhân viên trong trường hợp khẩn cấp.
Giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ (thuộc PVN). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Giàn khoan của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ (thuộc PVN). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 21/12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã triển khai các biện pháp ứng phó, nhằm bảo vệ an toàn các công trình dầu khí trên bờ và ngoài biển nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 14.

Theo Phó trưởng Ban khai thác Dầu khí PVN Vũ Đào Minh, PVN và các đơn vị quản lý dự án đang khai thác dầu khí trên biển Đông đã chủ động phối hợp với các nhà thầu triển khai kế hoạch ứng phó với bão số 14.

Trên các giàn khai thác, các đơn vị đã thực hiện gia cố thiết bị, chằng buộc vật tư, thực hiện kế hoạch di chuyển cán bộ công nhân viên trong trường hợp khẩn cấp theo đúng quy trình vận hành, an toàn tại từng lô thăm dò khai thác dầu khí và các khu vực mỏ mà dự kiến bão số 14 sẽ đi qua.

Hiện nay, do sóng to và gió rất lớn nên một số cán bộ công nhân viên làm việc tại khu vực lô 05.1A đã được đưa vào bờ.

Theo tính toán của các chuyên gia, tình hình sóng gió trong khu vực ảnh hưởng của bão số 14 và áp thấp nhiệt đới nằm vẫn trong tầm kiểm soát nên các nhà thầu và đơn vị trực thuộc PVN tiếp tục theo dõi sát sao thông tin, tùy diễn biến sẽ có quyết định dừng hoặc tiếp tục vận hành.

Đến cuối giờ chiều 21/12, toàn bộ các công trình biển của PVN vẫn đảm bảo an toàn, sản xuất bình thường.

Đại diện Liên doanh Dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro, đơn vị có các khu vực mỏ Bạch Hổ, Thiên Ưng, Rồng nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 14 cho biết, Vietsovpetro chỉ đạo các đơn vị cơ sở, thực hiện đầy đủ các biện pháp tổ chức và kỹ thuật ứng phó với cơn bão số 14 theo “kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Vietsovpetro.”

[Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa rất to trong 3 ngày tới]

Trước đó, Vietsovpetro đã hoàn thành hướng dẫn cho các cán bộ công nhân viên về đảm bảo các yêu cầu an toàn khi sản xuất trong mùa mưa bão; tuân thủ các quy phạm, quy trình an toàn, quy trình của nhà chế tạo và các tài liệu tiêu chuẩn khác của Việt Nam và Vietsovpetro khi thực hiện các công việc trên cao, các công việc nâng-hạ, làm việc với thiết bị nâng, neo đậu, giao hàng và các công việc khác liên quan tới tàu thuyền.

Cùng đó, tiến hành kiểm tra và đảm bảo tính năng hoạt động của các hệ thống sự cố, hệ thống đảm bảo an toàn công nghệ, các phương tiện và hệ thống chữa cháy, phương tiện cứu sinh, phương tiện và hệ thống liên lạc cũng như các phương tiện ứng cứu sự cố; kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các máy móc và cơ cấu, trang thiết bị, tình trạng chằng buộc tháp khoan, ống xả, phương tiện hàng hải và vật tư bảo quản trên các mặt sàn và mặt boong…

Tại các công trình biển, các đơn vị đã dự phòng đủ nước, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa phẩm, trang thiết bị... cho sinh hoạt.

Khi áp thấp nhiệt đới và bão đổ bộ, tất cả cán bộ công nhân viên sẽ ở bên trong các khối nhà ở và phòng điều khiển để đảm bảo an toàn.

Theo dự kiến, áp thấp nhiệt đới và bão số 14 sẽ không ảnh hưởng tới các lô dầu khí đang hoạt động trên biển Đông của Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP).

Tuy nhiên, PVEP đã chủ động triển khai các công tác phòng, chống bão, sẵn sàng cho tình huống diễn biến đường đi của áp thấp nhiệt đới và bão số 14 ảnh hưởng tới các lô dầu khí đang hoạt động.

Tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), đơn vị đã triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 14. Tính đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở, đơn vị nào của PV GAS bị thiệt hại.

Bên cạnh việc ứng phó phòng, chống áp thấp nhiệt đới và bão số 14, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các dự án, công trình dầu khí, các đơn vị dầu khí trên biển, trên bờ từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau đều có phương án sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục