Vấn đề Brexit: Hội đồng châu Âu thông qua các biện pháp dự phòng

Hội đồng châu Âu đã thông qua một loạt biện pháp tư pháp đơn phương nhằm hạn chế những thiệt hại trầm trọng từ các xáo trộn do Brexit không thỏa thuận gây ra trong các lĩnh vực cụ thể.
Những biện pháp dự phòng của Hội đồng châu Âu chỉ mang tính chất tạm thời. (Ảnh: THX/TTXVN)
Những biện pháp dự phòng của Hội đồng châu Âu chỉ mang tính chất tạm thời. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 19/3, Hội đồng châu Âu đã thông qua một loạt biện pháp tư pháp nhằm chuẩn bị cho kịch bản "không thỏa thuận" khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Mục đích của các biện pháp này là nhằm hạn chế những thiệt hại trầm trọng từ các xáo trộn do Brexit gây ra trong các lĩnh vực cụ thể.

Các biện pháp cấp thiết liên quan tới những vấn đề đặc biệt nhạy cảm như quyền công dân đã được các quốc gia thành viên thông qua nhằm chuẩn bị cho kịch bản "không thỏa thuận."

Các biện pháp này còn bao gồm việc đảm bảo kết nối về đường hàng không, đường bộ và đường sắt trong một giai đoạn giới hạn, cũng như cho phép tiếp tục quyền đánh bắt cá của cả EU và Anh cho đến cuối năm 2019, việc bồi thường cho ngư dân và các nhà khai thác.

Các đề xuất khác được thông qua cũng bao gồm việc tiếp tục chương trình "Hòa bình" trên đảo Ireland cho đến cuối năm 2020, song song với việc bảo vệ quyền của các cá nhân tham gia chương trình đào tạo Erasmus + và một số quyền lợi về an sinh xã hội cho những người đã được hưởng quy chế tự do đi lại trước thời điểm Brexit.

Nhiều biện pháp kỹ thuật liên quan tới việc kiểm tra tàu thuyền và kết nối tuyến hành lang giao thông trên Biển Bắc - Địa Trung Hải cũng đã được thông qua.

Trên nguyên tắc, những biện pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời, bị giới hạn về phạm vi và sẽ được EU đơn phương áp dụng.

Các biện pháp dự phòng sẽ không thể triệt tiêu hết các tác động chung của kịch bản "không thỏa thuận" hay ngăn ngừa hoàn toàn sự xáo trộn, không thể bao gồm toàn bộ lợi ích của một thành viên EU, hay các điều khoản có lợi của giai đoạn chuyển tiếp như được quy định trong thỏa thuận Brexit.

[Chủ tịch Hạ viện Anh đặt ''điều kiện khó'' cho chính phủ]

Cùng ngày, các bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) của các nước thành viên đều hối thúc Anh đưa ra quan điểm của mình về Brexit sau khi Quốc hội Anh lần thứ 2 bác bỏ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Romania George Ciamba, người sẽ chủ trì cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels (Bỉ), nhấn mạnh EU cần Anh làm rõ quan điểm của mình về vấn đề Brexit.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thụy Điển, ông Hans Dahlgren cho rằng EU cần lắng nghe ý kiến của Anh về Brexit trước khi có thể quyết định các bước tiếp theo.

Theo ông Dahlgren, Thụy Điển mong muốn các bên có tinh thần xây dựng và bảo đảm rằng tiến trình Brexit sẽ kết thúc vì EU có khá nhiều việc khác cần giải quyết.

Về phần mình, người đồng cấp Đức Michael Roth cho rằng liên minh này ngày càng mệt mỏi vì các cuộc đàm phán Brexit và cần một lời yêu cầu "rõ ràng và cụ thể" từ Anh về lý do của bất kỳ sự trì hoãn Brexit nào.

Phát biểu với báo giới khi đến Brussels (Bỉ) tham gia cuộc họp với những người đồng cấp ở EU, ông Roth nhấn mạnh ưu tiên của Đức là tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận gây ra những thiệt hại và bất kỳ sự trì hoãn Brexit nào sau tháng Sáu tới có nghĩa rằng Anh cần tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp Nathalie Loiseau cho rằng Anh cần phải đưa ra một lý do cho bất kỳ sự trì hoãn Brexit nào và việc rời EU không thỏa thuận cũng có thể xảy ra.

Theo Bộ trưởng Loiseau, tình trạng không rõ ràng này là không thể chấp nhận được và Anh cần phải đưa ra lựa chọn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay cảnh báo các nghị sỹ Anh rằng họ đã gây nguy hiểm bằng cách hoặc hủy hoại Brexit hoặc đẩy nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào nếu họ không ủng hộ thỏa thuận từng 2 lần thất bại của Thủ tướng May.

Phát biểu với đài BBC, Bộ trưởng Barclay kêu gọi các nghị sỹ cần đồng thuận để quyết định cách thức thực hiện Brexit.

Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May đã vấp phải sự phản đối lần thứ hai trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 với tỷ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận.

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là số phiếu chênh lệch lần này đã rút xuống còn 149 phiếu, so với 230 phiếu trong lần bỏ phiếu đầu tiên vào tháng Một vừa qua.

Nguyên nhân là do một số nghị sỹ của đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống thỏa thuận vào tháng đã quay sang ủng hộ trong lần bỏ phiếu thứ hai do lo ngại Brexit có thể bị trì hoãn hoặc bị bãi bỏ nếu họ không ủng hộ thỏa thuận này.

Hiện, Chính phủ Anh vẫn đang nỗ lực để có được sự hậu thuẫn của Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba về thỏa thuận Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục