Hàng trăm triệu người đã xem và nghe điệu nhảy – dù không hiểu một lời nào – nhưng rất ít người muốn tìm hiểu “Gangnam” là gì hoặc ít nhất, “phong cách” đó là gì. Gangnam trong tên của một bài hát nổi tiếng toàn cầu do rapper Psy của Hàn Quốc trình diễn là một khu vực mua sắm và căn hộ giàu có nhất tại Seoul, viền quanh với những cửa hàng sang trọng, quán bar cao cấp, các câu lạc bộ đêm và các nhà hàng mà những ngôi sao nổi tiếng thường xuyên lui tới. [Khoảng tối đằng sau sự xa hoa của Gangnam Style] Tuy nhiên ngay cả trong số những người Hàn Quốc sống hay dự tiệc thường xuyên tại Gangnam, được dịch theo nghĩa đen là “phía nam bờ sông,” cũng rất ít ý kiến thống nhất về phong cách đặc trưng của khu vực này.
Nhiều người cho rằng văn hóa Gangnam là lối sống phù phiếm (Nguồn: AFP)
Việc dịch nghĩa lời của bài hát, mà như một số người thấy đó là sự chế nhạo đối với sự giàu có phô trương và kiêu ngạo của khu vực này, chỉ cung cấp tương đối ít thông tin cho những ai muốn có một cái nhìn cụ thể. Psy hát về “những chàng trai uống một hơi hết cốc cà phê nóng” và những người “phát điên khi thời cơ đến.” Kwon Yu-Bi, một sinh viên 23 tuổi thường xuyên tham gia cuộc sống về đêm ở Gangnam, nói rằng bài hát không nói nhiều về một địa điểm cụ thể, mà nói nhiều về một tầng lớp những người thích hưởng thụ, mới xuất hiện trong nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. “Gangnam chỉ là một địa điểm mang tính biểu tượng và tôi nghĩ bài hát thực sự phản chiếu lại đất nước Hàn Quốc, nơi những người trẻ tuổi, trong đó có cả chính tôi, thích tham dự những cuộc vui điên cuồng về đêm,” Kwon cho AFP biết. Một căn hộ tại Gangnam không hề rẻ, với mức giá trung bình – ngay cả khi bất động sản tại Seoul đang ở trong thời kỳ sụt giá – vẫn ở trong khoảng 720.000 USD. Một đường phố cụ thể, trài dà I với hai bên là những cửa hàng mang thương hiệu xa xỉ trên toàn cầu như Louis Vuitton, Gucci, Cartier và Prada được so sánh với Rodeo Drive của Beverly Hills tại California. Đối với Kim Hoo-Yeon, 23 tuổi, thì phong cách Gangnam thực sự không có gì khác hơn sự tiêu xài vô độ. “Mọi lúc tôi tới Gangnam, tôi cảm thấy mọi người đều đang muốn phô bày việc họ có bao nhiêu tiền,” cô nói. “Tôi thậm chí không cảm thấy có gì đáng giá với thương hiệu ‘Gangnam style’,” Park Seong-Jun, 29 tuổi, bày tỏ sự động ý khi nói về một địa điểm đang thu hút tất cả những ai có thể tham gia một “cuộc vui tiêu xài tiền một cách điên cuồng.” Đoạn video đã khiến Psy và “Gangnam Style” trở nên nổi tiếng toàn thế giới, thu hút hơn 500 triệu lượt xem trên YouTube xuất hiện đã châm biếm hình ảnh về cuộc sống giàu sang và nhàn hạ của nơi này. Nhưng Kim Soo-Mi, 49 tuổi, một dược sỹ đã sống tại Gangnam trong vòng 15 năm, lại tin rằng đây là một hình ảnh sai lầm. “Thật đáng tiếc là chỉ có khía cạnh tiêu cực của Gangnam được biết đến thông qua bài hát, trong khi đó có rất nhiều điều khác nữa ở khu vực này,” Kim, người nhìn nhận những hàng xóm của mình là những người thực sự tinh tế chứ không chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài. “Khi tôi thăm những khu vực khác, đó là khi tôi thực sự cảm nhận được Gangnam là nơi bắt đầu cho các xu hướng – không chỉ là về thời trang, mà còn là về phong cách sống,” bà nói.
Gangnam là phong cách quý tộc hay trọc phú? (Nguồn: AFP)
Và J.H.Lim, chủ của một nhà hàng cao cấp trong khu vực này, nói rằng phong cách của Gangnam là một trong những khẩu vị tinh tế giúp lôi cuốn các khách hàng sành sỏi. “Nếu ai đó muốn tìm kiếu một cái gì thú vị và nhanh chóng, họ có thể tìm kiếm tại rất nhiều khu vực khác của Seoul. Gangnam dành cho những người trưởng thành có địa vị cao, nhưng người muốn hưởng thụ cuộc sống sang trọng và độc quyền,” chủ cửa hàng 55 tuổi cho biết./.
S.N (Vietnam+)