VASEP: Dự báo xuất khẩu thủy sản năm nay chỉ đạt 8,4 tỷ USD

Theo VASEP, từ nay đến cuối năm sản xuất và xuất khẩu thủy sản phục hồi chậm và tiếp tục khó khăn vì tình trạng thiếu nguyên liệu, lao động; trong khi chi phí đầu vào, nhân công, vận tải đều tăng.
VASEP: Dự báo xuất khẩu thủy sản năm nay chỉ đạt 8,4 tỷ USD ảnh 1Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm nay, dư địa xuất khẩu thủy sản lớn, nhưng ngành thủy sản gặp phải khó khăn do dịch COVID-19 trong 3 tháng qua quá lớn nên khả năng phục hồi chậm. Hiệp hội dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,4 tỷ USD, tương đương năm 2020.

Giá trị tôm xuất khẩu khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 3%; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, bằng năm 2020; hải sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 3%.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, từ nay đến cuối năm sản xuất và xuất khẩu thủy sản phục hồi chậm và tiếp tục khó khăn bởi ngành còn bị thiếu nguyên liệu, lao động; trong khi chi phí đầu vào, nhân công, vận tải, phòng dịch... đều tăng.

Các tỉnh có ngành thủy sản trọng điểm, tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine rất thấp. Trong khi đó, đây lại là điều kiện để mở cửa thị trường, giảm chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp. Do đó, các địa phương cần ưu tiên tăng tỷ lệ phủ vaccine cho người lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản.

[Ngành cá tra trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất]

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sản xuất nhưng theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần thực hiện hiệu quả và thực tế các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động để họ yên tâm quay lại sản xuất như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn, hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Hiện nay nhiều chính sách hỗ trợ còn đang tạo bức xúc cho doanh nghiệp. Cụ thể như, ngành công đoàn hỗ trợ cho người lao động phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ,” “1 cung đường 2 điểm đến,” tuy nhiên lại có thêm điều kiện là nhà máy thuộc tỉnh, thành phố có áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg toàn tỉnh. Nếu tỉnh, thành đó vẫn có 1 hoặc 2 xã thuộc “vùng xanh” thì sẽ không được hỗ trợ.

Hay sự hỗ trợ về điện trong ngành chế biến thủy sản và rau quả. Mức 10% tiền điện hỗ trợ không quá lớn nhưng rất ý nghĩa với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản ở 5 tỉnh không được nhận sự hỗ trợ này cũng vì quy định toàn tỉnh phải áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ về điều kiện cho vay mới, hạ lãi suất tiền vay, giãn nợ; có cơ chế bình ổn giá, chi phí đầu vào sản xuất; các địa phương tạo điều kiện để phục hồi và ổn định nguồn nguyên liệu từ khai thác và nhập khẩu để gia tăng sản xuất và xuất khẩu.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự quan tâm sát sao, mong rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng được phục hồi sản xuất phía trước," ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục