[Video] Toàn cảnh dự án đường vành đai 3 nhìn từ trên cao

Công trình đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 10/2020 để chào mừng 1010 năm Thăng Long-Hà Nội.

Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long nằm trên địa bàn của hai quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm, được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt khởi công xây dựng từ tháng 5/2018 đến nay đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp.

Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 10/2020 để chào mừng 1.010 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tuyến đường Phạm Văn Đồng có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông lớn nhất Thủ đô; kết nối nội thành với sân bay Nội Bài, kết nối trung tâm Hà Nội với các khu công nghiệp lớn, đồng thời đây còn là con đường huyết mạch vận chuyển hành khách từ các tỉnh phía Bắc về bến xe Mỹ Đình.

[Hà Nội phát triển mạnh kinh tế-xã hội, xứng tầm Thủ đô của đất nước]

Gói thầu được xây dựng do liên danh nhà thầu gồm: Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui, Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO 4, Công ty TNHH Xây dựng Tokyu và Tập đoàn Taisei đảm nhận.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng được sử dụng nguồn vốn từ ngân sách. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.824 tỷ đồng, tổng diện tích đất chiếm dụng là hơn 39ha, số hộ dân bị thu hồi đất là 877 hộ và 55 cơ quan.

Tổng chiều dài toàn tuyến là 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,836km và phần kết cấu nhịp dầm thép dài hơn 400m.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, bề rộng cầu cạn bêtông rộng 24m, kết cấu nhịp sử dụng dầm Super-T.

Riêng tại vị trí ba nút giao là Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế-Công viên Hoà Bình và Tây Thăng Long được bố trí kết cấu cầu dầm thép hiện đại.

Sau hơn 2 năm thi công, diện mạo của tuyến đường vành đai 3 trên cao đã được hình thành, toàn bộ 113 trụ cầu, các thanh dầm và bản mặt cầu đã được ghép nối liền mạch hết với nhau.

Phía dưới tuyến đường Phạm Văn Đồng đã được thông xe vào ngày 10/10/2019. Các hạng mục nền, mặt đường, hào kỹ thuật, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, cầu đi bộ... đã gần hoàn thành trên toàn tuyến.

Mặt đường rộng hơn, khang trang hơn, các phương tiện lưu thông thông thoáng hơn nhiều so với trước đây.

Để xây dựng tuyến đường này, Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.300 cây xanh trên toàn tuyến. Việc giải toả cây xanh phục vụ thi công này đã từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và tốn nhiều giấy mực.

Hiện nay, cây xanh dọc hai bên đường vành đai 3 đã được thay thế hoàn toàn bằng cây giáng hương cho bóng mát, xanh tươi.

Vỉa hè được lát đá tự nhiên chắc chắn, chỗ rộng nhất lên đến gần 10m giúp người dân thoải mái đứng hóng mát, đi xe đạp, đi bộ hay tập thể dục.

Khi Dự án cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thông xe sẽ giải quyết được bài toán ùn tắc trên tuyến hiện nay.

Ngoài ra, tuyến đường này khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối liên thông tuyến đường vành đai 3 trên cao từ Pháp Vân đến cầu Thăng Long, rút ngắn thời gian di chuyển từ nội đô đi sân bay Nội Bài, đi các tỉnh miền núi phía Bắc và ngược lại.

(Vietnam+)