Việt Nam cam kết đóng góp tăng cường vai trò của ECOSOC

Với phương châm lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách phát triển, Việt Nam đã đạt được hầu hết các MDGs, và đang trong quá trình chuyển sang thực hiện các SDGs.
Việt Nam cam kết đóng góp tăng cường vai trò của ECOSOC ảnh 1Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 8/7, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, đã diễn ra Phiên thảo luận chung cấp cao của Hội đồng kinh tế-xã hội (ECOSOC) và Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ phiên họp cấp cao thường niên của ECOSOC, thu hút sự tham dự của các bộ trưởng hợp tác phát triển, tài chính các nước.

Với chủ đề chính của phiên thảo luận năm nay là "Những vấn đề trong quá trình chuyển đổi từ các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) sang các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)," các nước đã cùng đánh giá việc thực hiện MDGs.

Đại diện các nước cho rằng mặc dù có nhiều tiến bộ chung, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, song kết quả thực hiện MDGs vẫn chưa đồng đều giữa các nước và khu vực. Các nước cũng cho rằng vẫn còn nhiều thách thức, nhất là ở những nước kém phát triển.

MDGs đã thành công trong việc kêu gọi huy động nguồn lực dành cho các mục tiêu phát triển trong 15 năm qua, nhưng vẫn tiếp tục cần sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Mặt khác, các SDGs thay thế MDGs kể từ năm 2016 mang tính toàn diện hơn, đề cập đến cả ba trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường cũng sẽ đặt ra những yêu cầu lớn hơn về nguồn lực.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga đã nêu bật các thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện MDGs.

Với phương châm lấy con người làm trung tâm của mọi chính sách phát triển, Việt Nam đã đạt được hầu hết các MDGs, và đang trong quá trình chuyển sang thực hiện các SDGs, theo đó Việt Nam sẽ lồng ghép một cách phù hợp các mục tiêu quốc tế vào trong các chiến lược, chính sách và chương trình phát triển của quốc gia, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về Phát triển bền vững.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển mới đòi hỏi ý chí và cam kết của tất cả các nước, đặc biệt là sự hỗ trợ cần thiết của các nước phát triển đối với các nước đang phát triển; đánh giá cao vai trò của ECOSOC trong quá trình triển khai thực hiện các SDGs.

Việt Nam khẳng định sẽ tích cực đóng góp vào việc tăng cường vai trò của ECOSOC và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước để Việt Nam trở thành thành viên của ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục