Việt Nam dự Hội nghị Ngoại trưởng Hợp tác Mekong-Hàn Quốc lần thứ 7

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác Mekong-Hàn Quốc và đề xuất một số nội dung lớn cần ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.
Việt Nam dự Hội nghị Ngoại trưởng Hợp tác Mekong-Hàn Quốc lần thứ 7 ảnh 1Một góc Thủ đô Phnom Penh, Campuchia nhìn từ bên bờ kia sông Mekong. (Ảnh: Trần Chí Hùng/TTXVN)

Ngày 1/9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Hàn Quốc lần thứ 7 đã đươc tổ chức tại thành phố Busan, Hàn Quốc.

Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Lào đồng chủ trì, với sự tham dự của đại diện các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu.

Hội nghị tập trung rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch hành động Mekong-Hàn Quốc giai đoạn 2014-2017 và thảo luận về định hướng hợp tác thời gian tới.

Hội nghị đánh giá cao những đóng góp của Hàn Quốc, đặc biệt đối với Quỹ hợp tác Mekong-Hàn Quốc, và hoan nghênh các kết quả quan trọng đạt được trong triển khai các dự án hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nước, nông nghiệp và phát triển nông thôn, và phát triển nguồn nhân lực.

Về định hướng hợp tác giai đoạn 2017-2020, các Bộ trưởng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong 6 lĩnh vực ưu tiên đã được thống nhất, cụ thể: (i) Hợp tác xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, thông minh, cân bằng sinh thái; tăng cường kết nối giữa các nước Mekong thông qua các dự án đường bộ, đường sắt, phát triển cảng biển, sân bay, đặc khu kinh tế, các hành lang kinh tế liên quốc gia; (ii) Hợp tác nâng cao năng lực triển khai và áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, thương mại điện tử, góp phần thu hẹp khoảng cách về công nghệ trong ASEAN; (iii) Thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, trồng rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của khí thải giao thông; (iv) Tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và các nguồn tài nguyên khác; phối hợp cùng Ủy hội Mekong và các tổ chức quốc tế liên quan; (v) Đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn với các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật; hỗ trợ các nước Mekong hội nhập sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp thế giới; và (vi) Triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động; tăng cường gắn kết giữa nhu cầu của doanh nghiệp với chương trình đào tạo nghề.

[Huy động nguồn lực phát triển, khơi dậy tiềm năng khu vực Mekong]

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực như vấn đề Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, khủng bố quốc tế và các thách thức phi truyền thống như an ninh nguồn nước​-lương thực-năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, người di cư.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác Mekong-Hàn Quốc và đề xuất một số nội dung lớn cần ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Mekong.

Cụ thể: (i) Phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là các hành lang kinh tế liên quốc gia, để khu vực Mekong thực sự trở thành cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và là cửa ngõ vào các thị trường lớn ở châu Á; (ii) Hỗ trợ các nước Mekong phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thông minh và trở thành mắt xích không thể thiếu của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; (iii) Hỗ trợ các nước Mekong đạt được cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, quản lý bền vững nguồn nước; và (iv) Nâng cao chất lượng lao động, năng lực nghiên cứu phục vụ công nghiệp hóa và nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thứ trưởng tái khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên và các thách thức an ninh phi truyền thống.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố đồng Chủ tịch, Kế hoạch hành động Mekong-Hàn Quốc 2017-2020 và nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Hàn Quốc lần thứ 8 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 tại Singapore vào năm 2018.

Trong Tuyên bố đồng chủ tịch của Hội nghị, các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Các Bộ trưởng khẳng định môi trường khu vực hòa bình và ổn định là thiết yếu trong việc đạt được thịnh vượng chung giữa các nước Mekong và Hàn Quốc; nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực là tối quan trọng. Các Bộ trưởng cũng khẳng định cần tăng cường tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

|

Cùng ngày, tại thành phố Busan đã diễn ra Lễ Khai trương Nhà văn hóa ASEAN với sự tham dự của Trưởng Đoàn các nước ASEAN, Hàn Quốc và Tổng thư ký ASEAN.

Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu của Năm trao đổi văn hóa ASEAN-Hàn Quốc 2017.

Nhà Văn hóa ASEAN được đánh giá là công trình biểu tượng cho cầu nối văn hóa giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc, cũng như gia tăng hiểu biết của người dân Hàn Quốc về ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục