Việt Nam-Italy trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp

Đoàn Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Hội đồng thẩm phán tối cáo Italy nhằm trao đổi kinh nghiệm tư pháp của nước này.
Việt Nam-Italy trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương và Hội đồng thẩm phán tối cao Italy. (Ảnh: Anh Ngọc/Vietnam+)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Italy từ ngày 16-19/11, đoàn đại biểu Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương do bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực dẫn đầu, đã có buổi làm việc với Hội đồng thẩm phán tối cao Italy nhằm trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm của nước này trong hoạt động tư pháp.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thu Ba đã giới thiệu về hệ thống tòa án và kết quả thực hiện cải cách tư pháp của Việt Nam, đặc biệt là kể từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NG/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nổi bật nhất là việc thông qua Hiến pháp mới năm 2013, quy định rõ nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp là bảo vệ quyền con người và quyền công dân.

Dự kiến, nhiều luật, bộ luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp sẽ được Quốc hội lần lượt xem xét thông qua như Luật tổ chức Tòa án, Luật tổ chức Viện Kiểm sát, Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự... nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa và thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Bà Lê Thị Thu Ba cũng nêu rõ Việt Nam đang nghiên cứu đổi mới mô hình tố tụng theo hướng kết hợp tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng để tạo ra mô hình tố tụng phù hợp với Việt Nam. Một trong những bước đi này là sắp tới, có thể tòa án Việt Nam sẽ được phép ban hành các án lệ trong các trường hợp mà luật chưa có quy định.

Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm phán tối cao Italy, ông Giovanni Legnini đánh giá cao quá trình cải cách tư pháp của Việt Nam và vai trò của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương trong quá trình này, cũng như tính nhân đạo của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Ông Legnini khẳng định cải cách tư pháp là quá trình rất chông gai, trong đó ngành tư pháp phải vừa đảm bảo được tính độc lập vừa bảo vệ được quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và hệ thống tư pháp lâu đời, Italy sẵn sàng và mong muốn đóng góp vào quá trình cải cách tư pháp của Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ của buổi làm việc, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm liên quan đến việc sửa đổi một số bộ luật như luật hình sự, luật dân sự... cũng như kinh nghiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực luật pháp và thực tiễn hoạt động tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục