Việt Nam là thị trường quan trọng của các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản

Từ nay tới năm 2025, AEON dự định mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam, tăng mạnh so với 4 siêu thị ở khu vực Hà Nội hiện nay. AEON cũng có kế hoạch mở thêm các cửa hàng có mặt sàn trên 500m2.
Việt Nam là thị trường quan trọng của các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản ảnh 1Siêu thị AEON. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tờ Nikkei Asia vừa có bài phân tích về chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản, trong đó khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất đối với tập đoàn AEON cũng như nhiều tập đoàn bán lẻ khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nikkei Asia cho biết dịch COVID-19, cùng với việc tháo gỡ rào cản với đầu tư nước ngoài, đã tạo cơ hội cho AEON hướng tới các siêu thị trong tầm nhìn phát triển.

Từ nay tới năm 2025, AEON dự định mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam, tăng mạnh so với 4 siêu thị ở khu vực Hà Nội hiện nay. AEON cũng có kế hoạch mở thêm các cửa hàng có mặt sàn trên 500m2.

[Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được phép nhập khẩu trái nhãn Việt Nam]

Ông Soichi Okazaki, Giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh khu vực Đông Nam Á của AEON, cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược ở nước ngoài của tập đoàn. Công ty con của AEON là Aeon Mall, có kế hoạch tăng từ 6 lên 16 trung tâm mua sắm tại Việt Nam từ nay đến năm 2025.

AEON sẽ cạnh tranh với những doanh nghiệp hàng đầu về quản lý hệ thống siêu thị ở thị trường này như Masan Group của Việt Nam và Central Group của Thái Lan, vốn đang quản lý 230 cửa hàng.

Trong bối cảnh đó, AEON đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đầu tư ra nước ngoài từ nay tới tài khóa 2025 lên 25%/năm, gần gấp đôi mức trước đó và tăng hơn gấp đôi lợi nhuận hoạt động ở châu Á (không bao gồm thị trường Nhật Bản) lên hơn 100 tỷ yen (875 triệu USD)/năm.

Ngoài AEON, Sumitomo Corp của Nhật Bản dự định sẽ hợp tác với tập đoàn BRG Group để mở rộng chuỗi siêu thị FujiMart, hiện có 3 cơ sở tại Hà Nội.

Pan Pacific International Holdings - đơn vị điều hành chuỗi siêu thị Don Don Donki, đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài lên 1.000 tỷ yen vào năm 2030, tăng gấp khoảng 6 lần so với tài khóa trước và có kế hoạch mở mới 10 cửa hàng tại Đông Nam Á, nâng tổng số lên 20.

Theo Euromonitor, trong giai đoạn 2016-2026, thị trường thực phẩm chế biến tại 6 nền kinh tế hàng đầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến tăng trưởng khoảng 60% lên khoảng 112,7 tỷ USD.

Euromonitor cũng dự báo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 6 nền kinh tế này, với tốc độ tăng trưởng đạt gần 90% trong giai đoạn này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục