Việt Nam vẫn là đối tác lớn thứ 2 của Nhật về công nghệ thông tin

Theo khảo sát mới, với 31,5% phiếu bình chọn, Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản từ năm 2012 và là “đối tác được ưa thích nhất” của các doanh nghiệp Nhật.

Theo báo cáo của Cơ quan xúc tiến Công nghệ thông tin Nhật Bản (IPA), Việt Nam vẫn giữ vững được vị trí đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản từ năm 2012 và là “đối tác được ưa thích nhất” của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đây là thống kê từ cuộc khảo sát do cơ quan này thực hiện với 31,5% phiếu bình chọn của doanh nghiệp Nhật (Ấn Độ là 20,6% và Trung Quốc là 16,7%).

Ngoài những lợi thế do gần gũi về văn hóa, giá nhân công rẻ, nguồn nhân lực cũng là yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Báo cáo trên được đưa ra tại “Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2014” (Japan ICT Day 2014) lần thứ tám diễn ra ngày 30/10 tại Hà Nội, trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin Việt Nam - ASOCIO 2014."

 Hai vấn đề chính được thảo luận tại “Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản” năm nay là phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam-Nhật Bản và Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản với các dự án lớn.

Phát biểu tại Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2014, ông Nguyễn Ích Vinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu Phần mềm Tinh Vân (Tinhvan Outsourcing), Phó Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác Công nghệ thông tin Việt Nam-Nhật Bản (VJC) chia sẻ những nhận định về cơ hội mở rộng thị trường tại Nhật Bản cho các doanh nghiệp: “Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, tăng qui mô và chiều sâu trong hợp tác công nghệ thông tin với Nhật Bản nhưng để nắm bắt được làn sóng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định đây là chiến lược lâu dài và phải có sự đầu tư về nguồn lực với năng lực tiếng Nhật và khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp Nhật Bản…

Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam-Nhật Bản, cho biết sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản đối với Việt Nam đã dẫn đến tình trạng khan hiếm khá trầm trọng nguồn nhân lực có khả năng tiếng Nhật và các kiến thức chuyên môn.

Thêm vào đó, từ nay đến năm 2020, có nhiều dự án lớn đang được Chính phủ Nhật Bản và các tập đoàn công nghệ thông tin tại Nhật Bản lên kế hoạch triển khai, chắc chắn tình trạng khan hiếm nhân lực công nghệ thông tin của Nhật Bản càng trầm trọng hơn. Đây cũng là động lực để doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm sự bù đắp từ các đối tác Việt Nam.

Trong những năm gần đây, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được quan tâm. Năm nay, Tổ chức tiên phong công nghệ thông tin thành phố Sapporo (Nhật Bản) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) triển khai dự án “Tăng cường môi trường giáo dục để phát triển nguồn nhân lực có tiềm lực cạnh tranh cho ngành công nghệ thông tin tại Hà Nội."

Dự án do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và sẽ kéo dài trong vòng ba năm từ 2014-2016 với tổng kinh phí hỗ trợ là 60 triệu yen (hơn 12,5 tỷ đồng). Dự án nhằm xây dựng giáo trình và chương trình đào tạo phù hợp cho Việt Nam; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các giảng viên nguồn và các kỹ sư nguồn cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam. Dự án sẽ đào tạo trên 130 kỹ sư nguồn và 10 giảng viên trình độ cao cho Việt Nam.

Theo bà Junko Kawauchi, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), các công ty Nhật Bản hiện nay rất cần những đối tác có quy mô nhân sự để thực hiện những dự án lớn.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất khó để nhận được dự án từ Nhật Bản. Chính vì vậy, việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng quy mô doanh nghiệp là yếu tố then chốt để duy trì mối quan hệ bền vững trong hợp tác Việt-Nhật.

Ngày 31/10, đoàn doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản sẽ đến Đà Nẵng để tham gia hội thảo về Hợp tác công nghệ thông tin Việt-Nhật, tham quan và giao lưu với các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiêu biểu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục