Vượt qua cuộc khủng hoảng "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh"

UNAIDS đã dùng hình ảnh "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh" để mô tả giai đoạn khủng hoảng hiện nay, khi mà cũng giống như HIV/AIDS, đại dịch COVID-19 đang phơi bày các điểm yếu của thế giới.
Vượt qua cuộc khủng hoảng "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh" ảnh 1Ông Magic Johnson. (Nguồn: Reuters)

Trong một ngày Đông lạnh lẽo của tháng 11 cách đây 29 năm, khi Magic Johnson, người được coi là một trong những cầu thủ bóng rổ người Mỹ vĩ đại nhất lịch sử, thừa nhận ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV và buộc phải giải nghệ, nhiều người đã nghĩ tới một cái kết buồn.

Các bác sỹ tin rằng Magic Johnson chỉ còn sống được khoảng ba năm, bạn bè ông thậm chí đã hình dung ra cảnh mình đến viếng đám tang của vận động viên bóng rổ được hâm mộ nhất ở Mỹ.

Gần 30 năm sau, người ta nhắc tới Magic Johnson không chỉ vì “bảng vàng” thành tích ông giành được trong Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Gần 30 năm sống chung với HIV/AIDS, ông sáng lập và điều hành công ty Magic Johnson Enterprises kinh doanh trong các lĩnh vực rạp chiếu phim, chuỗi cửa hàng Starbucks hay Burger King; làm Chủ tịch câu lạc bộ bóng rổ Los Angeles Lakers, nơi ông từng cống hiến với năm chức vô địch NBA...

Cùng lúc, ông điều hành một quỹ chống HIV/AIDS mang tên mình, hỗ trợ nhiều người có cơ hội được xét nghiệm miễn phí và điều trị HIV/AIDS, trở thành đại sứ đặc biệt, đi khắp thế giới để tuyên truyền về hội chứng này.

"Tôi đang sống một cuộc sống bình thường” đó là chia sẻ của M. Lynette, cô gái Mỹ bị nhiễm HIV ngay từ khi sinh ra năm 1990. Cơ hội sống của Lynette rất mong manh khiến những năm đầu đời của cô phải sống trong bệnh viện và phải trải qua hầu hết các phác đồ điều trị HIV/AIDS. Chưa đầy 8 tuổi, Lynette đã mất cả cha lẫn mẹ vì HIV/AIDS.

Bằng cách dùng thuốc kháng virus (ARV) mỗi ngày, Lynette đã sống chung với HIV/AIDS và tốt nghiệp trung học năm 2009 và vào đại học, tiếp tục hành trình theo đuổi ước mơ.

Với việc sử dụng trọn đời các loại thuốc kháng virus, những người nhiễm HIV như huyền thoại bóng rổ Magic Johnson và cô gái Lynette không còn phải đối mặt với “án tử khó tránh," theo cách mà trước đây người ta nghĩ về hội chứng suy giảm miễn dịch ở người này.

Thậm chí, nhờ sự phát triển của y học, hai ca HIV/AIDS được biết đến với biệt danh "Bệnh nhân Berlin" và "Bệnh nhân London" dường như đã trở thành những trường hợp đầu tiên được chữa khỏi sau khi trải qua liệu pháp dùng trong điều trị ung thư là cấy ghép tủy xương.

[30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam]

Thành tựu này đã truyền cảm hứng rất lớn cho các nhà khoa học và các bác sỹ đang nghiên cứu, điều trị HIV/AIDS cũng như khoảng 38 triệu người mang trong người virus HIV trên toàn cầu, đồng thời tiếp thêm hy vọng thế giới có thể thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc về chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang đe dọa hủy hoại những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống HIV/AIDS suốt nhiều năm qua, khi các nước phải áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, khiến việc cung cấp và phân phối thuốc men, trong đó có thuốc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS, gặp khó khăn.

Liên hợp quốc cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến nửa triệu người tử vong do HIV/AIDS, nếu việc điều trị bị gián đoạn trong thời gian dài.

Khảo sát do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành cho thấy 73 quốc gia đã cảnh báo về nguy cơ cao hết thuốc kháng virus, trong khi 24 quốc gia có lượng thuốc dự trữ vô cùng thấp hoặc nguồn cung dược phẩm thiết yếu bị gián đoạn.

Vượt qua cuộc khủng hoảng "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh" ảnh 2Ông Timothy Ray Brown, bệnh nhân được chữa khỏi bệnh AIDS đầu tiên trên thế giới, tại Marseille, Pháp, ngày 23/5/2012. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khảo sát tại Mỹ, quốc gia đang chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19, cho thấy tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS phải ngưng sử dụng thuốc giữa chừng đã tăng 278% trong bốn tháng đầu năm nay. Số người có HIV nhận được thuốc đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc phân phối thuốc men bị gián đoạn ngay cả trong ngắn hạn cũng có thể gây những hậu quả nghiêm trọng đối với hàng triệu người phụ thuộc vào các chương trình kiểm soát và điều trị HIV/AIDS. Tác động lớn nhất được cho là ở khu vực miền Nam châu Phi, vốn có tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS cao hơn tới 10% so với thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19.

WHO và Chương trình Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cảnh báo nếu những người nhiễm HIV/AIDS bị gián đoạn điều trị bằng thuốc kháng virus trong vòng sáu tháng, thì số ca tử vong do AIDS ở miền Nam châu Phi sẽ tăng thêm 500.000 người trong giai đoạn 2020-2021. “Cơn ác mộng” năm 2008, thời điểm khu vực này ghi nhận 950.000 ca tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS, đang hiện hữu.

[Số ca nhiễm COVID-19 tại nhiều nước và khu vực có xu hướng tăng mạnh]

Các biện pháp đóng cửa, yêu cầu người dân ở nhà để ngăn chặn đại dịch COVID-19 cũng có thể khiến tình trạng lạm dụng và bạo lực gia đình tăng lên, trong đó phụ nữ và trẻ em gái là nhóm dễ bị tổn thương, từ đó có nguy cơ cao bị nhiễm virus HIV.

Hơn nữa, việc cắt giảm dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em để tập trung cho bệnh nhân COVID-19 có thể khiến tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con gia tăng, ước tính sẽ tăng 37% ở Mozambique, 78% ở Malawi và Zimbabwe, và 104% ở Uganda.

Liên hợp quốc nhấn mạnh ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã bị chệch hướng và không hoàn thành mục tiêu 90-90-90 đề ra năm 2014 về phòng chống HIV/AIDS. Đó là đến năm 2020, 90% người có HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Dù số ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS đã giảm 60% kể từ giai đoạn đỉnh dịch vào năm 2004, song năm ngoái vẫn có khoảng 1,7 triệu người nhiễm mới và hơn 690.000 người tử vong do HIV/AIDS.

Trong khi đó, để đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, thì đến năm 2020, thế giới phải giảm số ca nhiễm mới HIV và số ca tử vong xuống dưới 500.000 mỗi năm.

Vượt qua cuộc khủng hoảng "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh" ảnh 3Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

UNAIDS đã dùng hình ảnh "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh" để mô tả giai đoạn khủng hoảng hiện nay, khi mà cũng giống như HIV/AIDS, đại dịch COVID-19 đang phơi bày các điểm yếu của thế giới, như bất bình đẳng kinh tế-xã hội dai dẳng, thiếu đầu tư vào y tế công.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định rằng, bằng cách ghi nhận những bài học trong cuộc chiến chống HIV/AIDS và cùng nhau hợp tác, "chúng ta có thể bảo đảm rằng các phản ứng y tế quốc gia thực hiện đúng cam kết của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và sức khỏe, hạnh phúc của tất cả mọi người."

Chính thách thức "một khoảnh khắc, hai dịch bệnh" hiện nay đã tạo ra "ba cơ hội" để thực hiện những thay đổi quan trọng, là nắm bắt các kinh nghiệm, tận dụng phân phối sáng tạo và tăng đầu tư để xây dựng các hệ thống y tế có khả năng chống chọi với cả hai đại dịch trên cơ sở quyền bình đẳng và lấy con người làm trung tâm.

Với thông điệp “Đoàn kết toàn cầu, dịch vụ bền vững” nhân Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12 năm nay, WHO kêu gọi tất cả các chính phủ, nhân viên y tế trên toàn cầu nỗ lực hết sức để duy trì các dịch vụ y tế cho người có HIV, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung thuốc trong thời kỳ dịch COVID-19.

WHO cũng ban hành hướng dẫn khuyến nghị các cơ sở y tế kê đơn thuốc cho người có HIV trong một thời gian dài, lên đến sáu tháng, nhằm giảm gánh nặng cho dịch vụ y tế vốn đang căng thẳng vì dịch COVID-19. Đến nay, 129 quốc gia đã áp dụng chính sách này.

Bên cạnh đó, các nước cũng đang giảm thiểu tác động của tình trạng gián đoạn bằng cách nỗ lực duy trì các chuyến bay và chuỗi cung ứng, đồng thời làm việc với các nhà sản xuất để vượt qua những thách thức đối với cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đó cũng là tinh thần thông điệp mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chia sẻ trong ngày 1/12 năm nay: “Chúng ta hãy cùng nhau khẳng định rằng, để vượt qua đại dịch COVID-19 và kết thúc đại dịch HIV/AIDS, toàn thế giới phải đoàn kết lại và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục