"Xanh hóa" tăng trưởng: Hiến kế cho nguồn năng lượng xanh

Phóng viên TTXVN ghi nhận góc nhìn từ các chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề tăng trưởng xanh, cam kết hướng tới phát thải bằng 0 của Việt Nam, khai thác nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.
"Xanh hóa" tăng trưởng: Hiến kế cho nguồn năng lượng xanh ảnh 1(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc tăng cường sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng xanh, giảm phát thải; khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo gắn với những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng đã cam kết hướng tới phát thải bằng 0 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) mới đây.

Phóng viên TTXVN ghi nhận góc nhìn từ các chuyên gia, doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này.

Ông Chu Bá Thi, Chủ nhiệm Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE)

Thách thức thực hiện Net Zero (phát thải bằng 0) của Việt Nam cần thực hiện bằng cách thay thế dần điện than bằng các dạng năng lượng tái tạo. Việt Nam có lợi thế tiềm năng điện tái tạo; trong đó có điện gió ngoài khơi lên tới hàng trăm GW, đủ để xây dựng thị trường điện gió ngoài khơi hoàn chỉnh từ nhân lực, thiết bị, vận hành.

Nếu Việt Nam dừng phát triển điện than vào năm 2025, thay thế bằng các dạng năng lượng tái tạo và tăng công suất lên lưới bằng các nguồn lưu trữ thì có thể giảm phát thải tới 80%. Với kịch bản thực hiện theo Quy hoạch điện VIII đang được dự thảo, Việt Nam có thể giảm phát thải 40% vào năm 2040.

Kết quả tính toán cho thấy, để đạt Net Zero vào năm 2050 thì cần đầu tư rất lớn cho tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng và truyền tải điện...

Để bù đắp chi phí phát sinh khi thực hiện theo kịch bản Net Zero, cần 19 tỷ USD để giữ giá điện thông thường và hàng năm cần khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện. Do vậy, Việt Nam sẽ cần nhiều sự hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt là các nguồn vốn vay ODA giá thấp.

[Đẩy mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong tăng trưởng xanh]

Để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng sạch, sau cơ chế giá ưu đãi (FIT), cần xây dựng cơ chế đấu thầu hiệu quả, cạnh tranh minh bạch, đồng thời áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu quốc tế để đảm bảo chia sẻ rủi ro dự án. Qua đó, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài, đảm bảo giá điện cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, trong quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng đến phát thải bằng 0, Việt Nam cần xây dựng phát triển chuỗi điện khí, gồm khung pháp lý và cơ chế giá, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn để thay dần cho điện than...

Ông Nguyễn Tài Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1

Nguồn năng lượng gió, mặt trời trong thời gian qua đã phát triển ồ ạt và đang chiếm một tỷ lệ rất lớn trong hệ thống điện với hơn 30% công suất. Điều này có thể khiến rất dễ mất kiểm soát và gây ra các hệ lụy không tốt khi vận hành.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó nguồn lực để phát triển nguồn điện còn hạn chế, trong khi đó nguồn lực xã hội để phát triển nguồn điện trong thời gian qua ở Việt Nam là tập trung đầu tư vào công suất nguồn cho gió và mặt trời mà thực chất là có chất lượng kém. Các nguồn điện này có sản lượng thấp chỉ bằng 1/3-1/5 sản lượng của các nguồn khác cùng công suất lắp và không ổn định, chi phí cao. Do đó sẽ làm mất cơ hội phát triển các nguồn khác và chi phí hệ thống sẽ tăng cao.

"Xanh hóa" tăng trưởng: Hiến kế cho nguồn năng lượng xanh ảnh 2Tổ hợp điện năng lượng tái tạo của Tập đoàn Trung Nam đầu tư tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận). (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có giải pháp khắc phục bằng xây dựng các hệ thống tích trữ năng lượng như hệ thống pin hoặc các nhà máy thủy điện tích năng. Khi sử dụng giải pháp này sẽ khắc phục được nhược điểm làm việc không ổn định của các nhà máy điện gió và mặt trời. Tuy nhiên, sử dụng giải pháp nào cũng phải cân nhắc đến chi phí đầu tư cũng như tác động đến môi trường,

Một giải pháp bổ sung cho hệ thống điện vào giờ cao điểm và dự phòng cho hệ thống điện trong trường hợp các nhà máy điện gió và mặt trời hoạt động không ổn định là mở rộng các nhà máy thủy điện có hồ điều tiết, giải pháp này sẽ hạn chế nhược điểm cho các nhà máy điện gió và mặt trời trong hệ thống điện.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID):

Để chuyển dịch năng lượng thành công, hướng tới mục tiêu phát thải thấp, Việt Nam cần rất nhiều yếu tố về công nghệ, tài chính, hệ thống vận hành linh hoạt hơn và cấu trúc của thị trường điện…

Trong 2 năm vừa qua Việt Nam đã có sự phát triển đột phá về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những thách thức cũng đã được nhìn nhận, vì chúng ta chưa có sự chuẩn bị hài hòa giữa chính sách với nhu cầu đầu tư lớn vào ngành. Dù vậy, năng lượng tái tạo vẫn sẽ là hướng đi mà Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai trong nhiều năm tới, theo như những cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 vừa qua.

Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, như phát triển điện mặt trời nổi trên các công trình thủy điện để tận dụng nhà máy, đường dây truyền tải từ các dự án thủy điện; điện gió ngoài khơi cũng cần được xem xét, gắn với phát triển hydro; giải pháp về tích trữ năng lượng, hay phân tán điện mặt trời…

Tôi cho rằng Quy hoạch Điện VIII vẫn nên kiên trì và tiếp tục mục tiêu tạo cơ hội tối đa, khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo trong nước. Bởi lẽ đây là các dạng năng lượng không bị phụ thuộc vào nhiên liệu than, khí, biến động giá thị trường. Từ đó, có các chính sách, tạo thị trường để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng này.

Hiện nay Việt Nam cũng chưa có chính sách về nguồn điện linh hoạt như: pin tích trữ, động cơ đốt trong linh hoạt ICE, thủy điện tích năng... Về thị trường, chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như: chưa có giá lưu trữ, giá điều tần…

Về tài chính, nguồn lực đầu tư cho vấn đề này còn hạn chế… Do vậy, thời gian tới, cần hoàn thiện khung khổ chính sách, quy định để thực hiện, có thể thử nghiệm, từ đó nghiên cứu chuyên sâu hơn các vấn đề này.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC)

Với tiềm năng về điện gió ngoài khơi lớn, Việt Nam sẽ không chỉ tạo ra một ngành công nghiệp mới mà còn tạo ra hàng trăm nghìn công việc từ phát triển loại hình năng lượng này. Việt Nam sẽ là quốc gia đi đầu ở khu vực Đông Nam Á trong phát triển điện gió và có lợi thế về chuỗi cung ứng so với các quốc gia khác.

Điện gió ngoài khơi cũng là một nguồn năng lượng chạy nền rất hiệu quả. Nó sẽ giúp Việt Nam giảm các nhà máy điện đốt than.

Việt Nam vừa qua đã thể hiện vai trò lãnh đạo rất quan trọng với cam kết hướng tới mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và hiện đại hóa, tạo nhiều việc làm thông qua phát triển ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để phát triển điện gió thì cần có cơ chế chính sách phù hợp cũng như một lượng lớn vốn đầu tư để khởi động. Tôi cho rằng, Việt Nam cần xây dựng cơ chế đấu giá nhất quán để các công ty trong nước và quốc tế có thể đầu tư vào chuỗi cung ứng, đào tạo nhân lực, xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng khác.

Ngoài ra, điện gió ngoài khơi cần được nâng cao tính cạnh tranh thông qua cơ chế giá ưu đãi (FIT). Cụ thể, ban đầu, sẽ hạn chế giá ưu đãi cho 4-5 GW để các dự án điện gió ngoài khơi được hỗ trợ.

Tiếp theo, Việt Nam thông báo trước tối thiểu hai năm đối với những thay đổi lớn về chính sách và đảm bảo thực hiện tham vấn để tối đa hóa tính minh bạch. Việt Nam cũng tiến hành các nghiên cứu về lưới, cấp phép, quy hoạch không gian biển cũng như nghiên cứu chi tiết về thiết kế đấu giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục