Giám sát từng đồng phí qua trạm BOT, nhà đầu tư hết “ăn gian”

Hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ nếu được đầu tư xây dựng sẽ giúp minh bạch hóa doanh thu trạm phí, có cơ sở dữ liệu đối chiếu, hậu kiểm nhà đầu tư...
Giám sát từng đồng phí qua trạm BOT, nhà đầu tư hết “ăn gian” ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ nhằm minh bạch hóa doanh thu trạm phí, có cơ sở dữ liệu đối chiếu, hậu kiểm nhà đầu tư...

Hiện nay, cả nước có 56 trạm giá sử dụng dịch vụ đường bộ thuộc các dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đang khai thác. Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra hoạt động các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các dự án BOT.

[Không đầu tư BOT tràn lan, sẽ giảm mức phí và thời gian thu]

Qua các đợt kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy một số tồn tại về công tác thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ như quy trình vận hành và hoạt động của trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ còn tồn tại các khả năng làm ảnh hưởng đến sự chính xác của báo cáo doanh thu như sai lệch lưu lượng xe, loại xe, mệnh giá vé, xoay vòng vé. Thậm chí, dữ liệu báo cáo thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ có thể bị can thiệp bởi con người và phần mềm...

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ thừa nhận, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có cơ sở đế đối chiếu xác minh báo cáo doanh thu của nhà đầu tư; hình thức xác minh đối chiếu duy nhất hiện nay là khảo sát trực tiếp và kiểm tra hệ thống ghi hình camera tại trạm.

Theo quy định của Thông tư 49/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian lưu trữ video giám sát là là 5 năm nên các cấp có thẩm quyền không đủ nhân lực để thanh kiểm tra do số lượng trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ lớn. Do đó, phía Tổng cục Đường bộ đánh giá cần có một hệ thống xử lý dữ liệu tự động để giám sát thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Với lý do này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh đến việc cần phải có hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ để kiểm soát chặt chẽ thời gian hoàn vốn của dự án, minh bạch hóa doanh thu, chi phí của dự án để cơ quản quản lý Nhà nước chủ động trong việc quản lý và cung cấp đầy đủ thông tin tới người dân cùng tham gia giám sát.

Cụ thể, hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý, vận hành độc lập với các hệ thống quản lý, thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các nhà đầu tư BOT. Cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ (lưu lượng, chủng loại xe...) sẽ được truyền từ các trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT về trung tâm giám sát để giám sát, quản lý công tác thu phí.

Ngoài ra, hệ thống tự động thu thập và kiểm chứng dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ từ các trạm thu phí đường bộ, giảm thiểu tối đa quá trình hậu kiểm cả về thời gian và nhân lực.

“Cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, nắm bắt tình hình, hiện trạng công tác thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại từng trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ; các thông số đầu vào liên quan đến phương án tài chính dự án; hỗ trợ công tác đối chiếu kiểm soát, đưa ra các so sánh vê báo cáo doanh thu từ dữ liệu thu thập và báo cáo từ chủ đầu tư BOT,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ phân tích thêm.

Bên cạnh đó, hệ thống có khả năng tương thích với các công nghệ thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ khác nhau (bao gồm công nghệ thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ một dừng MTC và công nghệ thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ không dừng ETC); mở rộng tích hợp với các hệ thống kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, việc này sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý tải trọng xe, lưu lượng phương tiện... trên các tuyến đường này.

Tổng cục Đường bộ cũng đưa ra kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ dự kiến khoảng 12,9 tỷ đồng bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tê đường bộ. Dự kiến tiến độ triển khai dự án từ tháng Bảy này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục