Giới chức Brazil hối thúc quốc hội không luận tội Tổng thống Rousseff

Ngày 4/4, Tổng chưởng lý Brazil hối thúc một ủy ban quốc hội bác bỏ việc luận tội Tổng thống nước này Rousseff, cho rằng hành động này không có cơ sở pháp lý.
Giới chức Brazil hối thúc quốc hội không luận tội Tổng thống Rousseff ảnh 1Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực bảo vệ chính quyền đương nhiệm, ngày 4/4, Tổng chưởng lý Brazil Jose Eduardo Cardozo đã hối thúc một ủy ban quốc hội bác bỏ việc luận tội Tổng thống nước này Dilma Rousseff, cho rằng hành động này không có cơ sở pháp lý.

Phát biểu trước Ủy ban luận tội của Hạ viện Brazil, ông Cardozo cho rằng quyết định của Chủ tịch Hạ viện Jose Eduardo Cunha về việc đưa tổng thống ra xét xử xuất phát từ động cơ chính trị, nhấn mạnh đây là hành động "hoàn toàn vô căn cứ" và vi hiến.

Theo ông Cardozo, luật pháp Brazil chỉ cho phép luận tội tổng thống trong một số trường hợp nhất định khi người đứng đầu đất nước phạm tội nghiêm trọng. Điều này không nằm trong trường hợp của Tổng thống Rousseff, người đang phải đối mặt với cáo buộc vi phạm luật pháp tài chính khi “làm đẹp” các con số thống kê về tình trạng ngân sách năm 2014.

Quan chức này cũng cáo buộc các thành viên phe đối lập nói chung và bản thân Chủ tịch Hạ viện Cunha nói riêng là những thế lực chính đứng đằng sau âm mưu nhằm lật đổ bà Rousseff.

Tuyên bố của Tổng chưởng lý Cardozo được đưa ra trước thềm cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về khả năng luận tội Tổng thống Rousseff vào giữa tháng này. Hiện nữ chính khách này đang đối mặt với nguy cơ bị phế truất khi phe đối lập trong nhiều tháng qua liên tục gây áp lực đòi đưa bà ra xét xử tại một phiên tòa chính trị nhằm bãi nhiệm bà trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018.

Theo quy định, việc bỏ phiếu xem xét bãi nhiệm Tổng thống sẽ được tiến hành trước tiên tại Hạ viện. Nếu điều này xảy ra, bà Rousseff có thể sẽ mất tới hơn 100 phiếu ủng hộ.

Phe đối lập cần tập hợp đủ 2/3 số phiếu tức 342 phiếu ở Hạ viện mới có thể phế truất bà Rousseff, trong khi ở Thượng viện chỉ cần 41 phiếu.

Khủng hoảng chính trị ở Brazil liên tục leo thang trong thời gian qua với các cáo buộc Tổng thống Rouseff và cựu Tổng thống Lula da Silva có liên quan tới vụ tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Tuy nhiên, chính quyền của bà Rouseff tuyên bố những cáo buộc trên cùng những động thái đi kèm là âm mưu đảo chính.

Tính đến nay đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng trong vụ bê bối này; trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.

Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục