Nợ thuế của các doanh nghiệp lên tới gần 71.000 tỷ đồng

Nợ thuế của các doanh nghiệp tính tới cuối năm nay tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2013 và hiện ở ngưỡng khoảng 71.000 tỷ đồng.
Nợ thuế của các doanh nghiệp lên tới gần 71.000 tỷ đồng ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Nợ thuế của các doanh nghiệp tính tới cuối năm nay tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2013 và hiện ở ngưỡng khoảng 71.000 tỷ đồng.

Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chính thức cho biết trong hội nghị "Tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính tài chính, ngân sách Nhà nước năm 2015" tổ chức sáng 24/12, tại Hà Nội.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, từ đầu năm tới nay, ngành thuế đã đôn đốc thu hồi nợ và hiện đã thu được số nợ thuế khoảng 30.000 tỷ đồng và ngành hải quan thu được 1.785 tỷ đồng.

Những kết quả này được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá đã thực hiện "quyết liệt" nhưng số nợ tính tới hiện tại vẫn cao hơn so với khoảng 61.000 tỷ đồng nợ thuế cuối năm 2013.

Đặc biệt, trong cơ cấu nợ thuế, người đứng đầu ngành tài chính còn cho hay, số tiền phạt chậm nộp thuế chiếm tỷ trọng khá cao khi hiện vẫn còn 10.000-11.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành tài chính, nguyên nhân của số nợ đọng thuế tăng cao một mặt do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tồn kho lớn, ảnh hưởng tới hoạt động và tài chính của các doanh nghiệp. Những khó khăn ấy cũng đẩy doanh nghiệp vào cảnh phải nợ thuế.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra một nguyên nhân khác quan trọng không kém ở chính một bộ phận cán bộ thuế.

"Một bộ phận cán bộ thuế chưa thực sự quan tâm triển khai quyết liệt, chậm xử lý thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật," đánh giá của ngành tài chí nêu rõ.

Nói thêm về con số nợ thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn, hiện có khoảng 20.000 tỷ đồng là nợ khó có khả năng thu.

Bởi vậy, nhiệm vụ của cơ quan chức năng trong thời gian tới theo ông là cố gắng thu hồi khoảng 45.000-50.000 tỷ đồng để bù đắp ngân sách Nhà nước.

Về giải pháp trong thời gian tới, báo cáo của ngành tài chính nhấn mạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Ngoài ra, theo khẳng định của đại diện Bộ Tài chính, cơ quan này sẽ rà soát danh sách người nộp thuế cố tình chây ỳ hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, một giải pháp khác được cơ quan chức năng nhấn mạnh là rà soát các doanh nghiệp có nợ thuế lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nhập gia công. Những đối tượng này được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ phân loại, lập danh sách các đơn vị có độ rủi ro cao để theo dõi và có biện pháp quản lý chặt chẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục