Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Ấn Độ-Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực

Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt giữa Ấn Độ-Nhật Bản đã có hiệu lực vào ngày 20/7, sẽ mang lại sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.
Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Ấn Độ-Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực ảnh 1Bí thư Đối ngoại S Jaishankar (ảnh, trái) và Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu (ảnh, phải) trao đổi công hàm ngoại giao. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt giữa Ấn Độ và Nhật Bản đã có hiệu lực vào ngày 20/7, sau 8 tháng sau khi thỏa thuận được ký kết.

Theo đó, thỏa thuận sẽ mang lại sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp hai nước trong lĩnh vực này.

[Nhật Bản và Ấn Độ ký thỏa thuận quan trọng về hạt nhân dân sự]

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay, Bí thư Đối ngoại S Jaishankar và Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu đã trao đổi công hàm ngoại giao, theo đó chính thức đưa thỏa thuận này vào triển khai.

Thỏa thuận được ký kết hồi tháng 11/2016 trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau nhiều năm thương lượng.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gopal Baglay cho hay: "Thỏa thuận này tìm cách thúc đẩy hợp tác đầy đủ giữa hai nước trong việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình dựa trên cơ sở ổn định, đáng tin cậy và có thể dự đoán được."

Thỏa thuận cho phép Nhật Bản xuất khẩu công nghệ hạt nhân sang Ấn Độ, qua đó New Delhi trở thành nước đầu tiên không ký Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) ký kết một thỏa thuận như vậy với Tokyo.

Các nước khác đã ký thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ấn Độ bao gồm Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Mông Cổ, Pháp, Namibia, Argentina, Canada, Kazakhstan và Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục