45 năm Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố nghĩa tình

Nền tảng và động lực cho những thành công của TP.HCM trong 45 năm qua là từ những phẩm chất nội tại của con người Thành phố luôn yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt khó, nhân ái, nghĩa tình.
Khu trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh bên bờ sông Sài Gòn. (Ảnh Thanh Vũ/TTXVN)
Khu trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh bên bờ sông Sài Gòn. (Ảnh Thanh Vũ/TTXVN)

Tròn 45 năm trôi qua kể từ ngày thành phố Sài Gòn vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày 2/7/1976. Từ một thành phố bộn bề khó khăn sau chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành đầu tàu kinh tế, một trung tâm phát triển của đất nước, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một thành phố nghĩa tình - thành phố “vì cả nước, cùng cả nước.”

Lan tỏa những phong trào đoàn kết toàn dân

Thành phố Hồ Chí Minh sau 45 năm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.

Nền tảng và động lực cho những thành công của Thành phố trong 45 năm qua là từ những phẩm chất nội tại của con người Thành phố luôn yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt khó, nhân ái, nghĩa tình.

Tháng 2/1992, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình “Xóa đói giảm nghèo” với mục tiêu đến ngày 30/4/1995 Thành phố sẽ xóa được hộ đói, cơ bản giải quyết được cái ăn hằng ngày và chống tái đói.

Thời gian sau đó, giảm nghèo bền vững trở thành tiêu chí phấn đấu quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đã được Thành phố triển khai, huy động được đa dạng nguồn lực xã hội cùng góp công, góp của như hỗ trợ vốn để kinh doanh, sản xuất, đào tạo nghề cho các hộ nghèo…

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, người dân Thành phố trong nhiều năm đã đạt được những thành quả rất đáng tự hào.

Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI khẳng định, đến cuối năm 2018, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về “Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm” và tiếp tục triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững 2 năm cuối của giai đoạn 2016-2020; đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu “cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.”

Hoạt động nổi bật trong nhiều năm qua của Thành phố là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa.” Thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, người dân Thành phố không chỉ đóng góp bằng vật chất để xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa, tình thương; chăm lo vật chất cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách, có công, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên còn phân công hội viên, đoàn viên thường xuyên chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng neo đơn, gia đình liệt sỹ, thương binh khó khăn.

Thông qua nguồn vốn Quỹ “Vì người nghèo,” trong 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã góp phần xây dựng hơn 30.208 căn nhà và sửa chữa hơn 17.327 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng hơn 11.020 phương tiện đi học, hơn 2.000 phương tiện làm ăn cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Giai đoạn 2001-2020, Quỹ “Vì người nghèo Thành phố” chăm lo nhà ở, bảo hiểm y tế; trao tặng phương tiện sinh kế, phương tiện sinh hoạt; tặng học bổng, học nghề, hỗ trợ khó khăn thường xuyên, đột xuất… với tổng số tiền hơn 2.135 tỷ đồng.

“Những việc làm thiết thực đó đã góp phần quan trọng vào thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố,” bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hằng ngày, hằng giờ trên các con đường, các ngõ nhỏ hay giữa trung tâm Thành phố đều xuất hiện những hành động nhỏ nhưng ấm áp tình người, tạo nên sự lan tỏa lớn, thể hiện tình đoàn kết, chia sẻ tình thương với những người gặp khó khăn.

Đó là những thanh niên mang cơm cho các cụ già neo đơn; thùng nước, tủ bánh mì miễn phí trên đường; những hộp cơm nhân đạo cho người bệnh nghèo, người lao động gặp khó khăn; những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị-cửa hàng 0 đồng; điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật, bữa cơm nghĩa tình, nhà trọ giảm giá trong mùa dịch COVID-19…

Những phong trào đoàn kết toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn… là những việc làm sáng tạo, mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình của nhân dân Thành phố, góp phần quan trọng cùng chính quyền Thành phố chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Những phong trào, việc làm đó đã và đang lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một thành phố nghĩa tình.

Thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”

Tinh thần phát huy sức dân chăm lo cho dân của Thành phố đã hội tụ những tấm lòng và lan tỏa khắp cả nước một cách tự nhiên như “người với người sống để thương yêu.” Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, để cùng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, hỗ trợ nhau phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi điểm trong các hoạt động "Mùa Hè xanh;" ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc"; các chương trình “Góp đá xây Trường Sa,” “Tấm lưới nghĩa tình,” "Tiếp sức vì Trường Sa thân yêu...”

45 năm Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố nghĩa tình ảnh 1Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè chảy qua khu vực quận Phú Nhuận được cải tạo, nâng cấp. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Phát huy nét đẹp văn hóa, truyền thống nghĩa tình “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cùng cả nước,” hằng năm, Thành phố tổ chức các đoàn công tác đến thăm, tặng quà, hỗ trợ người dân vùng biên giới, các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ; thăm các đồn biên phòng, đơn vị quân đội bảo vệ biên giới, biển, đảo Tổ quốc...

Những tấm lòng thơm thảo của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã được người dân các địa phương đón nhận với sự xúc động tận tâm vì những giá trị thực tế đối với bà con.

Tại buổi tiếp nhận tiền hỗ trợ công tác chăm lo Tết Tân Sửu 2021 cho người nghèo tỉnh Long An, ông Trương Văn Nọ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã trân trọng cảm ơn tình cảm và những việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với nhân dân tỉnh Long An.

Số tiền hỗ trợ này mang đậm nghĩa tình sâu sắc của nhân dân Thành phố, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “tương thân tương ái,” “một miếng khi đói bằng một gói khi no.”

[Hành trình 45 năm thành phố mang tên Người: Vượt lên chính mình]

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng trong năm 2020, từ nguồn Quỹ “Vì biển đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc,” Thành phố đã hỗ trợ xây dựng hơn 800 căn nhà cho các hộ nghèo, khó khăn tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; xây dựng mới và hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh xá trên đảo Nam Yết, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; thực hiện công trình “Mái ấm cho chiến sỹ, người nghèo nơi biên giới” tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang; thực hiện công trình “Nước ngọt vùng biên” tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp; công trình “Điện năng lượng Mặt Trời” tại tỉnh Bình Phước; công trình “Lọc nước sạch cho học sinh nghèo vùng biên” tại tỉnh Cà Mau…

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, khi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, Thành phố Hồ Chí Minh vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn tích cực chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch.

Từ nguồn Quỹ phòng, chống COVID-19 Thành phố do các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, Thành phố đã kịp thời hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các địa phương gặp khó khăn do dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch nơi biên giới các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Kiên Giang, Kon Tum, Hà Giang, Lạng Sơn…

Thành phố cũng đã đóng góp 510 tỷ đồng qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Không chỉ như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh còn hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng giúp Campuchia và Lào phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong dòng chảy lịch sử của mảnh đất Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn tràn đầy nỗ lực vươn lên, càng khó khăn càng thể hiện bản lĩnh và khát vọng phát triển, trong đó, phẩm chất "nghĩa tình" luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

“Cho đi chính là nhận lại, hãy để tình yêu thương và lòng nhân ái luôn hiện hữu trong lòng, để chúng ta có thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua khó khăn, để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi trở thành lẽ sống và cũng là thương hiệu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

45 năm Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố nghĩa tình ảnh 2Tòa nhà Landmark 81 (cao nhất Việt Nam) trên đường Nguyễn Hữu Cảnh – cạnh sông Sài Gòn, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Những hoạt động giàu tình nhân ái đang hiển hiện hằng ngày, hằng giờ trên thành phố mang tên Bác đã thể hiện tính cách nhân hậu, đức vị tha, tình yêu thương đồng bào mang tính truyền thống của người dân Thành phố.

Những việc làm tốt đẹp ấy đã trở thành truyền thống và ngày càng được duy trì, phát triển, trở thành nét đẹp đặc thù trong văn hóa ứng xử, tư duy hành động của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nghĩa tình, thành phố “vì cả nước, cùng cả nước.”/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục