7 kỹ năng cần thiết để con bạn thành công trong thế kỷ 21

Theo Martin West thuộc trường Cao học Giáo dục Harvard, có một loại kỹ năng nhất định mà nhà tuyển dụng nào trong tương lai cũng cần tới.
7 kỹ năng cần thiết để con bạn thành công trong thế kỷ 21 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Bộ mặt của ngành giáo dục đang thay đổi ngày càng nhiều trong thời đại hiện nay.

Trẻ em không chỉ cần học các môn học trong trường, mà còn phải học các kỹ năng giúp trẻ trở nên thành đạt trong thế kỷ 21.

Theo Martin West thuộc trường Cao học Giáo dục Harvard, có một loại kỹ năng nhất định mà nhà tuyển dụng nào trong tương lai cũng cần tới.

“Về cơ bản, chúng tôi đang cố gắng giải thích sự thành công trong giáo dục hoặc trong thị trường lao động bằng những kỹ năng không được đo trực tiếp bởi các bài kiểm tra tiêu chuẩn.”

Dù là một người cha, người mẹ hay một nhà giáo, bạn cũng cần phải đảm bảo rằng những đứa trẻ đang được bạn trông nom đang nuôi dưỡng những kỹ năng sau đây trong cuộc sống hàng ngày nếu bạn muốn chúng thành công.

1. Tính cách

Xây dựng tính cách rõ ràng không phải là điều gì mới mẻ trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, nó vẫn là một kỹ năng quan trọng cần được chú trọng khi trẻ em lớn lên trong xã hội hiện đại.

Chúng phải học được cách tự kiềm chế bản thân, đặc biệt là trong một thời kỳ với quá nhiều yếu tố kích thích ở ngay trong tầm với của chúng.

Ta cũng cần nuôi dưỡng trong trẻ một sự tò mò về thế giới xung quanh chúng -nhưng không phải theo kiểu “Google đi.”

Trẻ em phải mong mỏi được khám phá thế giới và tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình thay vì dựa vào một cỗ máy biết tuốt.

Ta cũng nên xây dựng sự tự tin cho trẻ, để chúng tỏ ra lạc quan trong cuộc sống và trong quá trình trưởng thành, để chúng có thể đối mặt với thế giới và biết rằng mình có thể cải thiện thế giới này theo một cách nào đó.

2. Kỹ năng xã hội và cảm xúc

Trong một thế giới nơi chúng ta ngày càng bị cô lập bởi máy tính, điện thoại và truyền hình, trẻ em cần học cách tương tác với nhau. Chúng cần học cách đối xử với nhau và giải quyết các nhu cầu của nhau.

Cách duy nhất để chúng làm được điều này là khi được đặt vào các tình huống xã hội và được giám sát bởi một người lớn hiểu biết và quan tâm để giúp hướng dẫn chúng khi tình huống trở nên xấu đi. Nếu hành vi xã hội của trẻ không được giám sát, có thể sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về sau này.

3. Tâm thế phát triển

Trẻ nên hiểu rằng chúng đang không ngừng phát triển và học hỏi. Đúng là trẻ con thì vẫn là trẻ con thôi, nhưng chúng cũng nên liên tục nhận thức được rằng mỗi trải nghiệm của chúng là một cơ hội để học được điều gì đó, ngay cả trong môi trường phi học thuật.

Điều này sẽ giúp trẻ tận dụng được tốt nhất những tình huống xấu, vì chúng sẽ luôn tìm kiếm những điều mới để học hỏi, thay vì tập trung vào việc chúng đã thất bại.

Trẻ cũng sẽ hiểu rằng thất bại không phải là điều gì xấu, vì chúng hiểu cuộc sống là một quá trình học hỏi từ những sai lầm. Khi ta ngừng học hỏi thì đó là khi rắc rối bắt đầu chất chồng.

4. Các đặc trưng và thói quen phi nhận thức

Các nhà nghiên cứu tỏ ra do dự về cách gọi tên tính chất này, nhưng về cơ bản, họ muốn mô tả các kỹ năng siêu nhận thức.

Nói cách khác, đây là những kỹ năng phi học thuật mà chúng ta sử dụng để biết được ta cần phải sử dụng kỹ năng nào.

Chẳng hạn, một đứa trẻ có thể học thuộc bảng cửu chương, nhưng sau khi đọc một bài toán đố, trẻ có thể không biết rằng mình cần sử dụng phép nhân để giải bài toán.

Điều quan trọng là không nên chỉ tập trung vào việc tìm kiếm kỹ năng để học tập, mà còn nên chú trọng vào cách sử dụng những kỹ năng đó nữa.

Đôi khi sự phát triển của các đặc điểm này diễn ra ngay trong việc xử lý vấn đề vốn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

5. Sự gan góc

Cuộc sống không hề dễ dàng. Trẻ nên càng sớm hiểu ra điều này càng tốt. Chúng nên hiểu rằng thất bại cũng không sao cả, miễn là sau đó chúng biết tự đứng dậy và cố gắng cho tới khi thành công.

Chúng cũng cần hiểu được sự khác biệt giữa thành tích vừa đủ và thành tích vượt trội.

Một điều có thể cho phép trẻ vừa đủ vượt qua các rào cản của cuộc sống, nhưng điều còn lại sẽ giúp trẻ thực sự tiến xa.

“Làm hết sức, chơi hết mình” là một điều quan trọng nếu trẻ muốn thực sự tận hưởng những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống.

6. Các kỹ năng của thế kỷ 21

Kỷ nguyên thông tin đã mang lại một thời kỳ mà trong đó chúng ta phải có một chuyên môn nhất định nhưng đồng thời cũng phải sở hữu một loạt các kỹ năng khác.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã học cách hợp tác và giao tiếp với người khác một cách trực tiếp hoặc thông qua việc sử dụng công nghệ.

Trẻ cũng cần tư duy phê phán và tỏ ra sáng tạo trong việc tìm ra các cách giải quyết những vấn đề thậm chí chưa từng tồn tại 20 năm trước đây.

Khi làm vậy, trẻ em thời đại ngày nay sẽ đảm bảo rằng xã hội vẫn tiếp tục tiến lên phía trước trong tương lai.

7. Kỹ năng mềm

Hơn bao giờ hết, trẻ em cần học được những điều cơ bản của tác phong chuyên nghiệp. Chúng cần hiểu rằng đúng giờ là một điều quan trọng, và cần biết cách ăn mặc sao cho phù hợp.

Trẻ cần tỏ ra lễ độ và tuân thủ theo các lẽ thường trong xã hội, không chỉ trong thời gian làm việc và học tập mà trong mọi thời điểm.

Trẻ cũng cần hiểu rằng con người trên mạng cũng phản ảnh tính cách ngoài đời, do đó chúng cần tỏ ra lễ độ trên không gian mạng cũng như trên thực tế.

Nếu trẻ không chú ý tới những lẽ thường này, những kỹ năng chúng học được có thể bị lãng phí hoặc không được coi trọng./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục