Áp thuế mới với thép và nhôm: Bước đi đầy rủi ro của Tổng thống Trump

Việc áp mức thuế suất mới có thể khơi mào hàng loạt cuộc chiến thương mại trên thế giới trong tương lai, đồng thời gây thiệt hại cho chính các nhà sản xuất và người dân Mỹ.
Áp thuế mới với thép và nhôm: Bước đi đầy rủi ro của Tổng thống Trump ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế suất mới tại Nhà Trắng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Donald Trump đã hiện thực hóa thêm một cam kết với cử tri khi ngày 8/3 ông ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.

Động thái được dự báo có thể khơi mào hàng loạt cuộc chiến thương mại trên thế giới trong tương lai, đồng thời gây thiệt hại cho chính các nhà sản xuất và người dân Mỹ.

Theo quyết định của Tổng thống Trump, các quy định mới về thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu gấp 4 lần so xuất khẩu, trong khi lượng nhôm nhập khẩu cao gấp 5 lần sản lượng nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016.

[Video] Chính phủ Mỹ áp thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng chính sách tăng thuế thép và nhôm là cần thiết để bảo vệ ngành chế tạo và tầng lớp lao động Mỹ, vốn chịu nhiều thiệt hại do các hành động thương mại "gây hấn" của nhiều đối tác nước ngoài. Ông Trump đã không ngần ngại chỉ ra các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc, Nga và ngay cả đối tác thân cận là Liên minh châu Âu (EU) đã gây phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ.

Tuy nhiên, lo ngại làn sóng trả đũa từ các nước đối tác thương mại gần gũi, chính quyền Washington cũng có sự nhượng bộ nhất định. Mỹ miễn trừ Mexico và Canada khỏi danh sách áp thuế, coi đây là những "trường hợp đặc biệt."

Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng này có được hưởng ưu đãi trên hay không phụ thuộc vào tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA, gồm Mỹ, Canada, Mexico), vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 7 mà không có nhiều khả quan.

Canada lo ngại hơn cả bởi quốc gia này là đối tác xuất khẩu thép lớn nhất tại thị trường Mỹ, tiếp sau là Trung Quốc, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump mời tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể ngồi lại thảo luận với chính quyền Washington về "những cách thức thay thế" nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.

Áp thuế mới với thép và nhôm: Bước đi đầy rủi ro của Tổng thống Trump ảnh 2Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Ron Sachs/UPI)

Như vậy, ông Trump đã hiện thực hóa một cam kết nữa trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mà ông theo đuổi, trong đó có việc ưu tiên khôi phục ngành công nghiệp thép của nước Mỹ. Tuy nhiên, việc làm này vượt quá tầm kiểm soát của chính giới Mỹ, đặc biệt là các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa, bởi lẽ trước khi quyết định này chính thức được thông qua, "chiến tranh thương mại" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các cảnh báo, từ chính giới Mỹ đến các quan chức quốc tế.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, cho rằng động thái này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường thương mại quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định các cuộc chiến thương mại đều gây ra thiệt hại cho tất cả các bên. WTO cảnh báo nguy cơ gia tăng các rào cản thương mại trên toàn cầu, sau khi các nước lần lượt đưa ra những cảnh báo đáp trả kế hoạch tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ.

Theo Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, hành động "ăn miếng trả miếng" sẽ đẩy thế giới vào suy thoái. Trong khi đó, hành động của Tổng thống Trump cũng gây bất đồng trong nội bộ Mỹ khí một số nhà lập pháp Mỹ hoài nghi chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump sẽ gây cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế đàu tàu thế giới.

Sau khi quyết định trên được công bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan là quan chức đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch áp thuế của ông Trump, cho rằng quyết định nêu trên sẽ gây ra những "hậu quả không mong muốn. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Jeff Flake đến từ bang Arizona cho rằng mức áp thuế mới là sự kết hợp "tai hại" giữa chủ nghĩa bảo hộ và sự bất ổn, gây tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế. Ông Flake cam kết sẽ đưa ra một dự thảo luật nhằm bác bỏ chính sách thuế mới.

Sẽ không có gì bất ngờ khi động thái này nhận được sự tán dương của các nhà sản xuất nhôm thép trong nước. Tập đoàn U.S. Steel vui mừng cho rằng động thái này xây dựng một sân chơi công bằng hơn cho các công ty sản xuất thép trong nước, qua đó tạo động lực sản xuất cũng như tăng cường an hinh quốc và an ninh kinh tế. Công ty này đã để ngỏ khả năng mở lại một phần nhà sản xuất ở Granite City, Illinois, mang lại việc làm cho khoảng 500 lao động.

Trái ngược với sự hồ hởi trên, các nhà sản xuất trong các lĩnh vực liên quan hai ngành trên lại không vui vẻ khi đón nhận thông tin này. Ông Gary Shapiro, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Cộng nghệ người tiêu dùng -đơn vị đại diện cho hơn 2.200 công ty của Mỹ, mô tả chính sách mới là mối đe dọa với nền kinh tế Mỹ và hệ thống giao thương toàn cầu. Việc áp thuế này có thể để lại hậu quả lớn hơn so với số việc làm mà chính sách mới hứa hẹn mang lại. Ông khẳng định các ngành công nghiệp khác của Mỹ chắc chắn sẽ không tránh khỏi các "đòn trả đũa" của các đối tác thương mại nước ngoài.

[Dư luận phản ứng gay gắt về các mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ]

Một số tổ chức đại diện cho ngành sản xuất thép và nhôm cho rằng chính sách này là không cần thiết và về lâu dài sẽ gây sức ép giá cả tăng do chi phí sản xuất tăng, tác động đến những lĩnh vực liên quan, trong đó ngành sản xuất ôtô.

Ngành sản đồ uống đóng lon nói chung và sản xuất bia nói riêng của Mỹ được dự báo chịu tác động dây chuyền từ chính sách bảo hộ này. Tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất bia lớn nhất Mỹ đánh giá nhôm nhập khẩu để sản xuất bia lon không phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ, điều mà Tổng thống Trump liên tục nhấn mạnh, và việc áp thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu sẽ kéo chi phí sản xuất tăng thêm 348 triệu USD mỗi năm và đe dọa hơn 20.000 người lao động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, xét cho cùng, người tiêu dùng mới là những đối tượng phải hứng chịu tất cả. Theo Trung tâm nghiên cứu máy tự động, việc tăng thuế nhôm và thép sẽ khiến mỗi chiếc ôtô "đội" thêm trung bình khoảng 300 USD. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội bán lẻ Mỹ Matthew Shay đưa ra cái nhìn gần thực tế và đầy đủ hơn khi gọi chính sách này đồng nghĩa với việc đánh thuế đối với người dân. Ông cho rằng người tiêu dùng Mỹ đang hưởng lợi từ kế hoạch cải cách thuế của Nhà Trắng, song sớm muộn họ sẽ "hụt hẫng" khi giá cả hàng hóa đều tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục