Đệ nhất phu nhân Michelle Obama ngày 27/2 đã công bố kế hoạch dán nhãn thành phần thực phẩm đóng gói mới nhằm giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về các thực phẩm mà mình lựa chọn.
Đây được xem là kế hoạch cải tổ lớn nhất về việc dán nhãn thực phẩm ở Mỹ trong suốt hai thập kỷ qua.
Theo kế hoạch mới này, hơn 700 sản phẩm sẽ phải thay nhãn mác mới, trong đó cung cấp các thông tin chi tiết về tổng lượng dinh dưỡng thực tế cũng như các thành phần dinh dưỡng chứa trong đó, thay vì chỉ nêu thông tin cho một phần sản phẩm.
Cụ thể, hiện nay trong bảng giá trị dinh dưỡng của một lon nước ngọt có thể tích 600ml chỉ cung cấp thông tin về dinh dưỡng của 100ml nước ngọt.
Kế hoạch mới này cũng bắt buộc bảng thành phần dinh dưỡng in trên thực phẩm đóng gói phải bao gồm thông tin chi tiết về lượng kali và vitamin D.
Ngoài ra, các thực phẩm đóng gói cũng được yêu cầu ghi cụ thể lượng đường phụ gia, trong khi thông tin về lượng calo có trong thực phẩm cũng sẽ được in ở khổ chữ to hơn so với các dòng chữ khác.
Các thông tin về tổng lượng chất béo cũng như chất béo bão hòa và không bão hòa vẫn được giữ nguyên.
Theo giới chức Mỹ, trong vòng 90 ngày, người dân sẽ cho ý kiến về kế hoạch này và các chuyên gia tính toán các hãng sẽ phải mất khoảng hơn hai năm để áp dụng các quy định mới này nếu chúng được thông qua.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân Obama nhận định kế hoạch thay đổi nhãn mác sản phẩm này nhằm giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt và lành mạnh hơn.
Bà cũng cho rằng kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD cho chi phí y tế trong việc điều trị các bệnh mãn tính là hậu quả của một chế độ ăn thừa năng lượng.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất tạp phẩm Mỹ đại diện cho phần lớn các công ty thực phẩm nước này cho biết sẽ hợp tác với Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) trong việc thực hiện kế hoạch trên.
Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh bất cứ sự thay đổi nào cũng phải nhằm mục đích cuối cùng là mang lại thông tin thiết thực, thay vì khiến người tiêu dùng lúng túng.
Đây được xem là một trong những kế hoạch đổi mới nhãn mác lớn nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm ở Mỹ trong suốt 20 năm qua kể từ khi chính phủ đưa vào thực hiện những quy định về dán nhãn thành phần dinh dưỡng trên các thực phẩm đóng gói vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá những đề xuất của bà Obama sẽ góp phần giúp cải thiện sức khỏe của người dân thông qua việc giảm các nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường và đột quỵ liên quan tới chế độ ăn, vốn khiến nước Mỹ tiêu tốn khoảng 150 tỷ USD mỗi năm.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hiện có hơn 35% dân số Mỹ mắc bệnh béo phì.
Vốn là người luôn ưa thích tham gia các hoạt động xã hội, Đệ nhất phu nhân Obama là người tiên phong trong việc kêu gọi xã hội xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe cũng như chăm chỉ rèn luyện thể chất để phòng ngừa bệnh tật phát sinh từ việc "nạp quá nhiều năng lượng."
Hồi tháng 2/2010, phu nhân của Tổng thống Barack Obama đã ra mắt sáng kiến "Let's Move" nhằm hướng tới việc giảm bớt tình trạng béo phì ở trẻ em và cải thiện chất lượng thực phẩm tại các trường học trên toàn nước Mỹ./.