Tiểu đoàn DK1 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) được giao nhiệm vụ quản lý một vùng biển rộng lớn trên thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc.
Tiếp nối truyền thống anh hùng của đơn vị, 32 năm qua, dù bao khó khăn gian khổ, thậm chí là hy sinh tính mạng, nhưng những người lính của Tiểu đoàn DK1 vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững cột mốc chủ quyền của Tổ quốc giữa biển khơi.
Cuối năm 1987, đầu năm 1988, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông. Đồng thời, trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, cũng như lợi ích lâu dài của đất nước, ngày 5/71989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Chỉ thị chính thức công bố về việc xây dựng Cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ tại khu vực bãi đá ngầm thềm lục địa của phía Nam Việt Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đây, Tiểu đoàn DK1 ra đời.
Trong giai đoạn đất nước còn vô vàn khó khăn nhưng với quyết tâm “bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải giữ cho được chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc,” các đơn vị phối hợp của Tiểu đoàn DK1 đã nỗ lực tìm kiếm, khảo sát và đã tìm ra các bãi đá ngầm để xây dựng các nhà giàn ngày nay.
Ngay trong giai đoạn nửa cuối năm 1989, ba nhà giàn đầu tiên đã sừng sững giữa biển khơi bao la, đánh dấu cột mốc chủ quyền của Tổ quốc.
Những năm tiếp theo, Tiểu đoàn DK1 đã phát triển lớn mạnh với việc xây dựng thêm nhiều nhà giàn khác tại khu vực, hình thành nên một cụm kinh tế-khoa học-dịch vụ liên hoàn trên thềm lục địa phía Nam, đóng góp to lớn vào việc khẳng định chủ quyền và phát triển kinh tế đất nước, thành điểm tựa, niềm tự hào của mỗi ngư dân Việt Nam trên hành trình khai thác hải sản trên biển.
Để bảo vệ vững chắc cột mốc chủ quyền trên biển và có được những thành quả như ngày hôm nay, những người lính Tiểu đoàn DK1 đã trải qua nhiều mất mát, hy sinh.
Cắm chốt trên các nhà giàn giữa biển khơi mênh mông và thường trực phải đối mặt với những cơn sóng dữ cao tới 15-16m khiến nhà giàn luôn đặt trong tình trạng có thể sụp đổ, sống chết cận kề, những người lính biển đã thể hiện tinh thần kiên cường bám trụ.
Do kỹ thuật xây dựng còn hạn chế nên trong thập kỷ đầu tiên có tới 5 nhà giàn bị đổ, khiến 6 cán bộ, chiến sỹ hy sinh.
Từ ngày 28/11 đến ngày 5/12/1990, liên tục nhiều cơn sóng to cấp 9 cấp 10, cao tới 14 đến 15m ập vào làm các nhà giàn DK1/3 và DK1/6.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần gan dạ, dũng cảm, những cán bộ, chiến sỹ các nhà giàn đã không nao núng, bình tĩnh tìm hiểu tình hình, báo cáo đầy đủ, chính xác về sở chỉ huy và bày tỏ quyết tâm không rời trạm.
Tuy nhiên, đến 2 giờ 5 phút ngày 5/12/1990, dồn dập nhiều đợt sóng lớn đã giật đổ nhà giàn DK1/3, cuốn theo 7 cán bộ, chiến sỹ xuống biển giữa đêm tối mịt mù.
Các cán bộ, chiến sỹ đã ôm chặt lấy nhau trên mảnh phao bè và bị những con sóng lớn đánh trôi dạt trong đêm. Rạng sáng ngày 5/12/1990 tàu trực của Lữ đoàn tới, tìm vớt được 4 người. Còn Trung úy Trần Hữu Quảng, Phó Chỉ huy trưởng chính trị; Trung úy chuyên nghiệp Quân y Trần Văn Là và Hạ sỹ Hồ Văn Hiền đã hy sinh.
[Ra nhà giàn mùa biển động: Tết của những người “chân không chạm đất”]
Tháng 12/1998, sau nhiều đợt sóng gió dữ dội kéo dài trùm qua sàn nhà giàn, vào lúc 4 giờ sáng ngày 14/12/1998, nhà giàn DK1/6 đã bị đổ, hất tung 9 cán bộ, chiến sỹ xuống biển. Sau 14 giờ lênh đênh trôi dạt trên biển, đến 18 giờ cùng ngày, 6 cán bộ, chiến sỹ được tàu HQ 606 của Lữ đoàn 171 ứng cứu.
Đại úy, Trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng và chiến sỹ Nguyễn Văn An đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi.
Không chỉ phải liên tục đối mặt với những con sóng dữ, những năm đầu, chuyện ăn uống, sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ trên các nhà giàn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sỹ nhà giàn luôn nỗ lực, khắc phục vượt qua, trở thành điểm tựa vững chắc về tinh thần cho ngư dân Việt Nam.
Hơn 30 năm qua, các nhà giàn đã phối hợp cùng với tàu trực xua đuổi hàng trăm lượt tàu của nước ngoài đến vùng biển của Việt Nam để trinh sát, thăm dò; phát hiện nhiều lượt tàu chiến, máy bay trinh sát của nước ngoài, báo cáo kịp thời về Sở Chỉ huy các cấp để xử lý.
Tiểu đoàn DK1 cũng kịp thời phối hợp cứu các tàu đánh cá để cấp cứu, điều trị bệnh cho ngư dân Việt Nam ốm đau, bị nạn trên biển.
Ghi nhận những hy sinh, đóng góp đặc biệt to lớn đó, ngày 21/12/2005, Tiểu đoàn DK1 đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều tập thể, cá nhân của Tiểu đoàn đã được Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Trung ương Đoàn… tặng thưởng nhiều bằng khen, huân, huy chương các loại.
Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, cho biết, Tiểu đoàn DK1 có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là chốt giữ và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn DK1 với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn nhận thức sâu sắc về trọng trách, niềm vinh dự lớn lao, thấm đẫm truyền thống của tiểu đoàn anh hùng, kiên cường bám trụ để bảo vệ vững chắc cột mốc, chủ quyền nơi tiền tiêu của Tổ quốc./.