Chuyển sinh hoạt đảng khi ra trường: Lời giải từ chính đảng viên trẻ

Phát triển đảng viên trong trường đại học: Để không rơi 'hạt giống đỏ'

Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội cho hay nếu mỗi đảng viên sinh viên vào đảng với động cơ đúng đắn, có ý thức trong sinh hoạt... thì sẽ vẫn có cách để trong hàng ngũ của Đảng.
Trao quyết định kết nạp Đảng cho đảng viên trẻ. (Ảnh minh họa: Hồng Giang/TTXVN)
Trao quyết định kết nạp Đảng cho đảng viên trẻ. (Ảnh minh họa: Hồng Giang/TTXVN)

Bài 4: Chuyển sinh hoạt đảng khi ra trường: Lời giải từ chính đảng viên trẻ

Trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên trong các nhà trường cũng như tránh làm rơi những “hạt giống đỏ” xuất sắc là nỗi niềm của những người làm công tác đảng trong trường cao đẳng, đại học.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội (Đảng ủy Khối) về vấn đề này.

Bài toán khó

- Thưa ông, ông có thể cho biết công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên trong thời gian qua tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội xác định công tác phát triển đảng viên trẻ là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nguồn cho Đảng.

Phát triển đảng viên trẻ là học sinh, sinh viên cũng chính là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng do đây là nguồn nhân lực chất lượng cao. So với các khu vực khác như địa bàn dân cư, cơ quan Nhà nước hay lực lượng vũ trang thì các trường đại học là nơi có nguồn kết nạp đảng viên trẻ lớn nhất. Một năm, Đảng bộ Hà Nội kết nạp khoảng 12.000 đảng viên thì riêng Đảng ủy Khối các trường đại học cao đẳng kết nạp khoảng 2.000 người.

Việc phát triển đảng viên trẻ ở Đảng bộ khối có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là có tiềm lực dồi dào với quy mô sinh viên mỗi trường từ vài nghìn đến hàng chục nghìn em, trong nguồn đó có nhiều em tích cực. Thứ hai là các em có trình độ nhận thức cao. Thứ ba là nhiều em có động cơ đúng đắn vào Đảng, có mong muốn trưởng thành về mặt chính trị. Thứ tư là các cấp chính quyền cũng quan tâm đến việc phát triển Đảng.

[Phát triển đảng viên trong trường đại học: Để không rơi 'hạt giống đỏ']

Dù vậy, các trường cũng có những khó khăn riêng. Để được xét kết nạp Đảng, sinh viên phải hội đủ hai tiêu chí là có kết quả học tập ở mức trung bình khá trở lên và tham gia hoạt động xã hội tích cực. Tuy nhiên, sinh viên ngày nay có nhiều động cơ khác nhau như học tập, thu nhập, việc làm hay xác định đi học nước ngoài. Có em ban ngày đi học, buổi tối đi làm thêm nên không còn thời gian dành cho các hoạt động xã hội. Cơ chế thị trường tác động làm các em phân tâm với nhiều câu hỏi như vào Đảng để làm gì? Nên phấn đấu vào Đảng hay nên tập trung cho việc học, tích lũy kinh nghiệm qua đi làm thêm để dễ kiếm việc hơn?

Đây là những khó khăn đã nói từ lâu nhưng ngày càng tác động sâu sắc hơn.

Phát triển đảng viên trong trường đại học: Để không rơi 'hạt giống đỏ' ảnh 1Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng khu vực Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó còn một số đơn vị chưa quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò ý nghĩa của việc phát triển đảng viên trẻ để tạo đội ngũ kế cận cho Đảng nên có phần coi nhẹ việc này. Công tác tuyên truyền chưa tốt trong khi thanh niên ngày nay có nhiều luồng thông tin đa chiều tác động gây khó khăn trong định hướng.

Một khó khăn nữa là một số em ra trường không biết chuyển sinh hoạt Đảng đi đâu khi nhiều công ty không có tổ chức Đảng. Nếu chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương nhưng lại không làm việc tại địa phương đó thì dễ mất liên lạc. Nếu chuyển về nơi tạm trú thì nhiều khi các em thay đổi chỗ ở liên tục do công việc chưa ổn định.

Đa phần các em để sinh hoạt Đảng ở trường. Theo quy định, trường chỉ cho các em sinh hoạt tối đa 12 tháng. Vì thế, nhiều em được kết nạp Đảng ở trong trường đại học nhưng sau khi ra trường lại bị xóa tên vì bỏ sinh hoạt Đảng quá lâu, để lại hệ lụy lâu dài.

Đó là vấn đề đặt ra rất nan giải và chưa tìm ra được giải pháp nào.

- Đảng ủy Khối đã có thống kê nào về các trường hợp này chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Chúng tôi đang đề nghị các trường thống kê xem có bao nhiêu em bị xóa tên. Tuy nhiên, các trường sẽ chỉ nắm được số em để hồ sơ ở trường, không liên hệ lại và bị xóa tên. Những trường hợp đã chuyển hồ sơ đi mà không tiếp tục sinh hoạt Đảng thì không thể có số liệu để thống kê vì không thuộc quản lý của Đảng bộ trường.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi đảng viên sinh viên

- Đảng ủy Khối có định hướng như thế nào trong thời gian tới để khắc phục các khó khăn và làm tốt hơn công tác phát triển Đảng viên trẻ trong sinh viên, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Đảng ủy Khối là nơi có nguồn chất lượng và dồi dào nhất so với các khối và khu vực khác, tuy nhiên hiện nay số lượng đảng viên trẻ kết nạp hàng năm vẫn chưa tương xứng với nguồn lực.

Phát triển đảng viên trong trường đại học: Để không rơi 'hạt giống đỏ' ảnh 2Lớp học cảm tình đảng thu hút đông đảo sinh viên của Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: PV)

Đảng bộ Khối đang xây dựng đề án cho vấn đề này và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp.

Thứ nhất là quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy coi công tác phát triển Đảng là tạo nguồn cho Đảng, cũng là nâng cao vị trí lãnh đạo của Đảng. Phải xác định trách nhiệm chính trị của người đứng đầu đơn vị, đưa vào đánh giá tổ chức Đảng. Nếu đơn vị nào tỷ lệ kết nạp đảng viên thấp sẽ phải xem xét tìm giải pháp phù hợp với đơn vị đó.

Thứ hai là sẽ giao chỉ tiêu cho các cơ sở.

Thứ ba là phải đẩy mạnh hoạt động phong trào của đoàn thanh niên, hội sinh viên vì đây là lực lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng. Phong trào đoàn, hội phong phú sẽ thu hút được và giáo dục các em để các em có động cơ suy nghĩ vào Đảng đúng đắn, tạo điều kiện cho các em rèn luyện để vào Đảng. Các phong trào cũng cần đổi mới tổ chức, phương thức, nội dung hoạt động, quan tâm thiết thực đến học sinh sinh viên, những điều sinh viên cần, từ học tập, đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, tình cảm. Phải chăm lo đến quyền lợi của các em, trong đó có quyền lợi chính trị.

[Bài 2: Nữ đảng viên trẻ “một gánh bốn vai”]

Một giải pháp nữa là mô hình chi bộ sinh viên, tạo điều kiện để các Đảng viên sinh viên thuận lợi trong sinh hoạt. Nhiều nơi sinh viên sinh hoạt Đảng chung cùng giảng viên sẽ có những bất cập nhất định.

Đảng bộ Khối cũng đang cân nhắc lại điều kiện vào Đảng, trong đó trọng tâm là vấn đề kết quả học tập của sinh viên có cần phải ở mức trung bình khá trở lên và không nợ môn hay không. Kết quả này có thể không quá khó với khối trường xã hội nhưng với khối kỹ thuật là tương đối khó, nhất là với các em tham gia hoạt động đoàn, hội vì không thể tập trung hoàn toàn cho việc học. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong Đảng bộ Khối, chưa thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên điều kiện này vì đảng viên phải là những người ưu tú, đảm bảo chất lượng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tiêu chí này hơi cao, gây khó khăn cho việc kết nạp đảng viên sinh viên.

Phát triển đảng viên trong trường đại học: Để không rơi 'hạt giống đỏ' ảnh 3Để được kết nạp đảng, ngoài việc tham gia tích cực các hoạt động xã hội, sinh viên phải có kết quả học tập từ trung bình khá trở lên và không nợ môn. (Ảnh: PV)

Dù có những khó khăn nhưng Đảng bộ Khối cũng có thuận lợi lớn là nguồn để lựa chọn kết nạp đảng viên mới ngày càng tăng. Nhu cầu học tập của mọi người ngày càng cao hơn, học bây giờ không phải chỉ để đi làm mà còn để biết, để khẳng định, để sống, học ở mọi lứa tuổi. Vì thế số lượng sinh viên ngày càng tăng lên, nguồn cho Đảng càng dồi dào hơn.

- Vấn đề chuyển sinh hoạt Đảng sau khi ra trường vẫn là một trong những khó khăn với sinh viên mà như ông nói là chưa có lời giải. Vậy ông có lời khuyên gì với các đảng viên trẻ?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Trước đây, sinh viên ra trường có Nhà nước bố trí việc làm, các em cũng chủ yếu làm trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Tuy nhiên ngày nay người học phải tự vận động và thị trường lao động chuyển dịch sang khối tư nhân. Đó là vận động tất yếu của xã hội buộc các em phải thay đổi quan điểm.

[Bài 3: Đảng viên ra trường và câu chuyện “rơi hạt giống đỏ”]

Tất nhiên có khó khăn và Đảng ủy Khối cũng chưa tìm ra lời giải căn cơ cho từng hoàn cảnh cụ thể nhưng các em là đảng viên, không phải sinh viên bồng bột nên cần có những lựa chọn, cân nhắc thấu đáo. Nếu các em chưa có nhận thức và động cơ đúng đắn khi vào Đảng thì việc bỏ sẽ đơn giản hơn. Khi động cơ vào Đảng đúng đắn thì trong những lựa chọn đó không hẳn là không có cách làm vì Đảng đã tạo điều kiện linh hoạt chỗ chuyển Đảng về nơi cư trú, cho phép sinh hoạt đảng online…

Đảng chia sẻ với những khó khăn của các em về mưu sinh, lập nghiệp, nhưng bên cạnh đó còn là ý thức của mỗi đảng viên. Nếu các em có ý thức thường xuyên liên hệ với trường, với Đảng bộ nơi các em sinh hoạt để chi bộ biết các em đang làm gì, ở đâu thì mọi chi bộ đều tạo điều kiện...

- Xin cảm ơn ông!./.

Thạc sĩ Đặng Thị Minh Hảo, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong: Điều quan trọng là ý thức của sinh viên

Khó khăn về chuyển sinh hoạt đảng của các đảng viên trẻ là sinh viên sau khi ra trường là có thật và việc sinh viên được kết nạp xong bị xóa tên cũng có thật.

Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến ý thức của đảng viên. Điều lệ Đảng cho phép các em vắng mặt số lần sinh hoạt đảng nhất định nếu có lý do chính đáng. Nếu các em thường xuyên liên hệ với cơ sở nơi đăng ký sinh hoạt đảng và có lý do chính đáng thì tôi tin đảng bộ cơ sở nào cũng tạo điều kiện cho các em.

Các em hãy nhớ lại lúc phấn đấu để trở thành một đảng viên, nhớ lại mình đã viết gì trong đơn xin vào Đảng và là một đảng viên, hãy luôn có trách nhiệm với những gì mình đã nói.

Ông Bùi Đức Hùng, Phó Bí thư thường trực – điều hành công tác của Đảng bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Đảng viên trẻ phải là người chủ động

Việc chuyển sinh hoạt đảng sau khi ra trường là một khó khăn và sẽ phải có điều chỉnh để phù hợp hơn nhưng trước tiên chính đảng viên cũng phải tùy hoàn cảnh cụ thể của mình để chủ động tìm giải pháp. Khó nhưng không phải khó thì không giải quyết được. Chẳng hạn khi sinh hoạt ở chỉ bộ phải đứng lên xin phát biểu, nói những vấn đề mình đang vướng để cả chi bộ biết, tạo điều kiện, đừng chỉ ngồi uống nước chè rồi tự than phiền. Chủ động sẽ giải quyết được các vấn đề. Điều đó cũng thể hiện vai trò tiên phong của người đảng viên.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục