Động vật “sách đỏ” lâm nguy, rùa đứng đầu về nguy cơ tuyệt chủng

Bài 4: Động vật “sách đỏ” lâm nguy, rùa đứng đầu nguy cơ tuyệt chủng

Trong số hàng trăm loài động vật “sách đỏ” được bày bán phổ biến trên cả nước hiện nay, thì rùa là loài vật hoang dã được quan tâm nhất. Đây cũng là loài vật hiện đang đứng đầu nguy cơ tuyệt chủng.
Bài 4: Động vật “sách đỏ” lâm nguy, rùa đứng đầu nguy cơ tuyệt chủng ảnh 1 Trong số các động vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng gia tăng hiện nay, rùa hiện đang đứng đầu bảng. (Ảnh: HC/Vietnam+)

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, trong số hàng trăm loài động vật “sách đỏ” được bày bán phổ biến trên cả nước hiện nay, thì rùa ba gờ, rùa răng... là những loài vật hoang dã được nhiều khách du lịch quan tâm, hỏi mua nhiều nhất.

Nếu như ở “vựa” động vật Đồng bằng sông Cửu Long, rùa được người dân tuồn bán để nuôi làm cảnh hay làm mồi nhậu, thì ở miền Bắc, rùa “sách đỏ” đã trở thành mặt hàng cho những người chuyên “thu gom hài cốt động vật” mua về nấu cao - câu chuyện tưởng như không có thật, nhưng đã trở nên rầm rộ và đã hình thành một đường dây có tổ chức khiến loài động vật này đối diện nguy cơ tuyệt chủng.

“Nấu cao rùa bảo cao ngựa, ai bắt?”

Trong vai vị khách tìm người nấu cao rùa, đầu tháng 12/2019, người viết liên hệ với người đàn ông tên Đ ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ông Đ là người có tiếng ở miền Bắc với kinh nghiệm cả đời nấu cao động vật “sách đỏ.” Qua điện thoại, ông Đ hướng dẫn tỉ mỉ cách lựa chọn rùa và chuẩn bị nguyên liệu cần thiết.

“Để nấu được nồi cao rùa đạt chuẩn cần lấy 1 ít sa nhân, một con diều hâu, khoảng 1 hoặc 2 chỉ thuốc phiện đen. Rùa chỉ lấy mai với 4 chân để nấu cao. Nếu về Hà Nội nấu thì giá cũng như trên đây, tôi lấy 1,5 triệu đồng,” Đ hướng dẫn và nhắn nhủ “rùa phải là rùa núi, lấy về còn cắt tiết uống rượu, lòng dồi làm thức ăn hết.”

Như để tạo thêm sự tin tưởng, Đ đề nghị gặp trực tiếp trao đổi. Theo lời Đ, trung bình mỗi nồi cao rùa nấu khoảng 20kg, tương đương khoảng 30 - 40 cá thể rùa. Thời gian gần đây, Đ thường nấu rùa sa nhân, rùa mỏ quả, mai ba ba.

[Thâm nhập "thế giới ngục tù" tàn sát động vật trong "sách đỏ" Việt Nam]

Bây giờ rùa núi hiếm lắm, lại bị cấm, lỡ lực lượng chức năng phát hiện nấu cao rùa quý thì sao? Thấy tôi hỏi, Đ cười trấn an: “Không vấn đề gì, mình làm thịt xong cho vào nồi quân dụng nấu như nồi bánh chưng thôi, ai để ý làm gì. Gần tết nên tôi đi nấu suốt. Tôi nấu cao rùa gần chục năm nay, năm nào chẳng mấy chục nồi, đã làm thịt cả nghìn con rồi đấy, nếu phát hiện mình bảo nấu cao ngựa, ai bắt...”

Bài 4: Động vật “sách đỏ” lâm nguy, rùa đứng đầu nguy cơ tuyệt chủng ảnh 2Tình trạng nấu cao rùa đang phổ biến tại nhiều tỉnh ở phía Bắc, nhất là Bắc Kạn. (Ảnh: HC/Vietnam+)

Tại tỉnh Bắc Kạn - nơi mà Đ cho biết thường đến nấu cao rùa thuê cho khách, ngay khi đặt chân đến thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, người viết đã được những chủ nhà hàng chuyên bán cao rùa “khoe” về việc sử dụng cao rùa đem lại nhiều mặt lợi cho sức khỏe, chữa các bệnh xương khớp, dạ dày, thậm chí cả ung thư…

Thấy khách tỏ vẻ ngạc nhiên trước công dụng của cao rùa, chủ nhà hàng H.H ở thị trấn Chợ Rã liền chạy vào nhờ mở ngăn tủ lạnh lấy ra hai túi nylon được bọc cẩn thận rồi giới thiệu: “Đây là cao rùa, chị đã dùng hết 3 lạng từ đầu năm đến nay, ăn vào khỏe, đẹp da, dễ ngủ, có người chữa được cả ung thư.”

Đứng từ xa quan sát, thấy vợ rao bán cao rùa, khách gật đầu ưng ý, ông chủ nhà hàng cũng lại gần khoe rằng đây là cao rùa mình tự nấu. “Vài hôm trước có vị khách nấu một nồi 40kg, rùa núi rửa sạch vàng óng,” ông chủ nhà hàng giới thiệu.

Vậy nếu mua nhiều có đủ “hàng” không? Như gặp được khách “VIP,” ông chủ nhà hàng liền gọi điện cho một người đàn ông tên T cũng ở thị trấn Chợ Rã và giới thiệu chúng tôi đến lấy cao. Tới điểm hẹn, bà N - chị gái vợ T mang ra hai túi nylon đựng đầy cao rùa và giới thiệu: “Đây là cao rùa núi, gia đình vừa nấu hai nồi để dùng, chứ rùa bây giờ bắt được là bán sang Trung Quốc hết, sắp cạn kiệt rồi.”

[Mục sở thị chợ ‘‘địa ngục’’ sát hại động vật ‘‘sách đỏ’’]

Qua tìm hiểu của phóng viên, các loại rùa được nấu cao nhiều ở thị trấn Chợ Rã là rùa mỏ quạ, rùa núi, rùa sa nhân. Những loại rùa này được giới thợ săn dùng chó đi vào Vườn Quốc gia Ba Bể và Khu Bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Tuyên Quang) bắt về bán. Khi đàn chó vào rừng gặp rùa, chúng sẽ sủa và thợ săn chỉ cần đến chỗ đó nhặt rùa bỏ vào tải hoặc ba lô mang về…

Rùa đứng đầu bảng nguy cơ tuyệt chủng

Trao đổi với phóng viên về thực trạng săn bắt, nấu cao rùa hoang dã quý, hiếm trái phép nêu trên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên khẳng định những hình ảnh phóng viên cung cấp cho thấy loại rùa bị đem ra nấu cao nhiều nhất là rùa sa nhân, thuộc nhóm IIB theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP.

Bài 4: Động vật “sách đỏ” lâm nguy, rùa đứng đầu nguy cơ tuyệt chủng ảnh 3Cao rùa đã hoàn thiện được chào bán tại một số nhà hàng ở tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: HC/Vietnam+)

Theo bà Hà, các vi phạm trên có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính tùy theo giá trị tang vật. Giá trị tang vật trên 150 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên (hoặc tái phạm) thì xử lý hình sự theo Điều 234 với mức phạt lên đến 12 năm tù đối với cá nhân. Nếu tang vật dưới 150 triệu đồng thì xử phạt vi phạm hành chính tới 300 triệu đồng theo quy định tại các Điều 21, 22, 23.

Mặc dù chế tài xử phạt đối với tội phạm săn bắt, buôn bán, giết thịt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đã được nâng lên, nhưng với thực trạng săn bắt, buôn bán và nấu cao rùa tràn lan như hiện nay, mỗi ngày sẽ có một lượng không nhỏ cá thể rùa bị “ngục tù,” giết thịt, bán trao tay. Thực tế này cũng đã được các tổ chức bảo tồn, các nhà nghiên cứu nhiều lần đưa ra thông tin cảnh báo.

Theo báo cáo của Đại học Duke (Mỹ) vừa công bố mới đây, trong số các động vật đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng gia tăng hiện nay, rùa hiện đang đứng đầu bảng. Số liệu của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã cũng cho thấy phần lớn rùa ở Việt Nam được tuồn sang Trung Quốc - nơi có thị trường rùa lớn nhất thế giới.

Đáng chú ý, 8.118 bộ phận trong số 26.221 bộ phận động vật hoang dã bị tịch thu từ năm 2013 đến 2017 là rùa. Trong số 1.504 vụ bắt giữ liên quan đến động vật hoang dã, có 150 vụ liên quan đến rùa và rùa trở thành nhóm loài lớn thứ hai trong số các vụ bắt giữ động vật hoang dã ở Việt Nam.

Chỉ ra “lỗ hổng” dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng của quần thể rùa, báo cáo của đại học Duke cho rằng một nhân tố cụ thể thúc đẩy thương mại rùa bất hợp pháp là từ kẽ hở của người nuôi.

Mặc dù luật pháp ở Việt Nam không cho phép săn bắn và buôn bán các loài quý hiếm và nguy cấp, nhưng điều này chỉ áp dụng cho những loài bị bắt trong tự nhiên chứ không áp dụng cho các loài được nuôi trong các trang trại thương mại. Do đó, người nuôi có thể bán các loài bắt từ tự nhiên sau khi tẩy sạch nguồn gốc bằng cách tuyên bố bất hợp pháp rằng những cá thể đó được nhân giống thương mại.

Bài 4: Động vật “sách đỏ” lâm nguy, rùa đứng đầu nguy cơ tuyệt chủng ảnh 4Rùa được rao bán phổ biến ở các khu chợ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngoài ra, sự chồng chéo giữa Luật và Nghị định ở Việt Nam cũng khiến các cơ quan thực thi không hành động, khiến thủ phạm dễ dàng lách luật hơn. Sự phức tạp trong việc xin giấy phép có thể khiến các chủ trang trại có thiện chí bỏ qua quy trình rườm rà, và tham gia vào việc nuôi bất hợp pháp...

[Những cuộc kiểm tra “thần tốc” và sự “bất lực” của kiểm lâm]

Trước thực tế nêu trên, báo cáo của Đại học Duke đề xuất ba can thiệp. Trước tiên là thay đổi hành vi để nâng cao nhận thức của các chủ nhà hàng, chủ cửa hàng và người tiêu dùng nói chung về sự bất hợp pháp của buôn bán rùa.

Tiếp đó, nhóm đề xuất một can thiệp thực thi để giải quyết tình trạng thiếu kiến thức pháp lý và sinh học của các cán bộ thực thi và tòa án ở cấp địa phương. Cuối cùng là nghiên cứu đề xuất một can thiệp chăn nuôi bền vững để thúc đẩy các chủ trang trại thương mại tham gia vào việc nhân giống động vật thích hợp.

Ngoài ra, với các trường hợp vi phạm, “nếu bắt được và xử lý nặng thì sẽ có ý nghĩa răn đe, cũng như nâng cao nhận thức cho người dân. Bởi có thể nhiều người tưởng mình không vi phạm pháp luật nên họ công khai buôn bán như vậy,” bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nói thêm./.

Bài 5: Bảo vệ động vật “sách đỏ”: Siết nuôi thương mại, nghiêm trị bán buôn

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục