Bài 4: Tư duy khoa học giúp người dân làm giàu bằng nghề nông

Thay đổi suy nghĩ với cách tư duy mạch lạc, những người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi mạnh dạn đầu tư vào sản bền vững đã từng bước gặt hái những 'trái ngọt' ban đầu.
Mùa Thị Tồng, bản Bẹ, Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đang trao đổi về cách thức và thời điểm hái chè ngon đồng thời bảo tồn vùng nguyên liệu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mùa Thị Tồng, bản Bẹ, Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đang trao đổi về cách thức và thời điểm hái chè ngon đồng thời bảo tồn vùng nguyên liệu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nếu như các hộ nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Trà Vinh có thể mang về thu nhập từ 500 triệu-700 triệu đồng/năm nhờ vào các công cụ tư duy-kết nối bà con trong ấp cùng đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm vào trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, thì tại phía Bắc, những chủ trang trại chăn nuôi lợn bằng cám vi sinh đã có được lợi nhuận “khủng”10 tỷ đồng cho mỗi đợt xuất chuồng 1.000 con/tháng.

Bên cạnh đó, ở vùng cao xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La-nơi trước đây vốn là huyện nghèo nhất cả nước, nhưng nay nhờ sản xuất trà bằng công nghệ mới nhằm “nâng hạng” giá trị cây chè Shan tuyết, từ đó nâng giá thu mua nguyên liệu cho bà con dân tộc thiểu số từ 15.000 đồng/kg lên 60.000-70.000 đồng/kg và thậm chí là 120.000-150.000 đồng/kg chè tươi.

Khoa học… trước hết bắt đầu từ tư duy

Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân Việt Nam luôn phải đổi mặt với rất nhiều yếu tố rủi ro (như thời tiết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệch, cung vượt cầu…).

Với nghề nuôi trồng hải sản, những thách thức đó cũng luôn thường trực, do vậy rất cần có sự trao đổi, chia sẻ kiến thức và hợp tác, liên kết giữa các hộ sản xuất trong vùng. Ông Phạm Văn Sánh Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tiến, tại ấp Tư, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vỉnh cho biết mỗi tháng, bà con trong ấp họp định kỳ một lần để chia sẻ tâm tư nguyện vọng, theo đó những vẫn đề nào người dân chưa hiểu sẽ được cán bộ hợp tác xã nói rõ và phân tích tường tận.

Bài 4: Tư duy khoa học giúp người dân làm giàu bằng nghề nông ảnh 1Xã viên Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tiến, tại ấp Tư, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vỉnh  (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như hoạt động nuôi tôm, đòi hỏi kỹ thuật giống-hồ nuôi, nguồn vốn… hay thậm chí là xử lý vấn đề những con tôm rớt đáy (sau mỗi ngày hút nước hồ nuôi), nếu không trao đổi, phối hợp-ông Sánh cho rằng các hộ gia đình mà tự làm sẽ rất chật vật.

“Ban đầu, người dân chưa nhiệt tình tham gia đâu. Nông dân, người ta có hiểu vậy nhưng chưa mạnh dạn phát biểu, bởi người ta rất sợ nói ra không biết đúng hay không. Bên cạnh đó, những người phụ nữ trong ấp trước đây quanh quẩn với gia đình, chăm sóc con cái tối ngày, không chia sẻ công việc làm ăn với chồng nên không nắm được vấn đề mà trao đổi,” ông Sánh nhớ lại.

Nhưng sau đó, ông Sánh vui vè và cho biết bà con trong ấp sau khi tham gia các lớp tập huấn, cả nam và nữ đều nâng cao hiểu biết, nhờ vậy mọi người đã tự tin khi phát biểu những ý kiến của mình trong các cuộc họp định kỳ. Tham gia các buổi họp cộng đồng, những người vợ đã biết cảm thông hơn cho chồng khi gánh nặng sinh kế bị dồn hết lên vai. Từ đó, những họ phấn khởi và nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ chồng mình trong việc làm kinh tế.

‘Như hai vợ chồng tôi đều trên 60 tuổi, nhưng tôi đi tập huấn ở đâu-bằng giá nào cũng dắt bà nhà theo. Để cho bà hiểu và chia sẻ những cái điều học được với bà con chòm xóm. Ngoài việc tham gia đầu tư vào hợp tác xã, hai vợ chồng già cũng nuôi thêm hồ tôm khoảng 5.000 m2, nếu rủi thất thu thì mất vốn. Nhưng khi thuận buồm xuôi gió, thu nhập 500 triệu/năm là bình thường, có khi trúng giá được 700 triệu/năm,” ông Sánh nói.

“Cái khó ló cái khôn”

Đi thăm trang trại nuôi lợn của ông Đặng Văn Trí, Công ty Lộc Việt song điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên là ở đây không có mùi xú uế hay ruồi, nhặng. Giải thích về điều này, ông Trí cho biết đàn lợn được nuôi bằng cám vi sinh và dược liệu, nên hoạt động tiêu hóa, hấp thụ thức ăn rất tốt và chất cặn bã thải ra không còn nhiều, nặng mùi như lợn nuôi bằng cám công nghiệp.

Hiện, ông Trí có 4 trại lợn với quy mô 1.000 con lợn lái và 10.000 con lợn thịt. Mỗi trại lợn có khoảng 5 công nhân làm việc với quy trình bán tự động-cấp cám bằng tay và máng ăn tự động.

Bài 4: Tư duy khoa học giúp người dân làm giàu bằng nghề nông ảnh 2Hệ thống camera quan sát đàn lợn của nhà ông Đặng Văn Trí (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Trí tốt nghiệp đại học nông nghiệp và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất cám. Song, nhận thấy chăn nuôi lợn mang lại giá trị kinh tế cao nên ông chuyển sang lĩnh vực này từ năm 2005. Quyết định đầu tư trang trại lớn từ năm 2016, những cũng kể từ đó ông Trí làm ăn thua lỗ “liểng xiểng” và gần như mất hết, do trên thị trường tổng đàn lợn nuôi quá nhiều, cung vượt quá cầu. Và, mặc dù giá thành lên đến 40.000 đồng/kg hơi song chủ trại lợn chỉ bán được 17.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, một “cú đánh kép”-dịch tả lợn châu Phi nổ ra khiến cho nhiều trại lợn mất sạch.

“Trước tình thế đó-‘cái khó ló cái khôn,’ tôi quyết định chuyển hẳn sang nuôi lợn bằng cám vi sinh từ năm 2019, nhờ đó dịch bệnh có thể kiểm soát tới 99% và 1% là lường trước yếu tố rủi ro. Nhưng dù nuôi lợn sạch, tôi vẫn đang phải bán lợn hơi cho các lò mổ (vì không có chuỗi tiêu thụ) và bằng giá thịt nuôi cám công nghiệp. Tuy nhiên, nuôi lợn bằng cám vi sinh giá thành chỉ nhỉnh hơn 40.000 đồng/kg hơi (cao hơn so với nuôi thông thường khoảng 2.000 đồng/kg hơi) và thị trường đang thu mua hơn 80.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 1.000 con lợn, sau khi trừ chi phí có thể mang về lợi nhuận cho công ty thu về khoảng 10 tỷ đồng,” ông Trí cho biết.

Theo ông Nhữ Đình Tú Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Le Bio-Tifoods và Hợp tác xã Nông nghiệp Re Bio, nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp cần phải hội tụ đủ các yếu tố, ứng dụng công nghệ sinh học để thay công nghệ vô cơ hóa học trong trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng trong suốt quá trình, từ khâu giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, giết mổ đến phân phối. Về vật lý học, như hệ thống trang trại thoáng mát với hệ thống quạt gió, quạt thông hơi… để con lợn được sống trong môi trường tốt nhất.

“Khi đó, người dân sẽ được ăn sản phẩm sạch với giá cả phủ hợp đồng thời sức khỏe được nâng cao, những chi phí như khám chữa bệnh và rủi ro khác sẽ được giảm thiểu,” ông Tú nói.

Đưa công nghệ “thăng hạng” giá trị chè Shan tuyết

Đến với nơi núi cao Tà Xùa quanh năm mây phủ, đây là vùng đất của những cây chè Shan tuyết cổ thụ thân mốc xù xì, lên đến vài trăm năm tuổi với biểu tượng về ‘sự kiên cường” qua năm tháng.

Theo giới khoa học, cây chè Shan tuyết sinh sống hoàn toàn trong tự nhiên có giá trị rất cao về dưỡng chất. Cụ thể, các chất như catechin, a-xít amino... có trong trong trà cao gấp 20-30 lần so với trà thông thường cũng như nhiều hoạt chất khác đều vượt trội, do đó được thị trường quốc tế đánh rất giá cao. Song thực tế lại “trái ngang,” mặc dù sở hữu cả vùng “vàng xanh” quý hiếm những đời sống của đồng bào Mông nơi đây lại “không đủ no cái bụng.”

Bài 4: Tư duy khoa học giúp người dân làm giàu bằng nghề nông ảnh 3Trà xanh Shanam cũng được tổ chức Tea Epicure của Mỹ xếp vào Top One-dòng trà xanh thế giới với số điểm 94/100.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Mùa Thị Tồng, bản Bẹ, Tà Xùa cho biết em giúp bố mẹ đi hái chè từ năm 6 tuổi. Lớn hơn một chút, em biết đi bộ xuống chợ huyện (cách bản 14km) bán chè, mỗi kg chè tươi bán được 10.000-15.000 đồng/kg, trà xao khô bán được 50.000 đồng/1kg.

“Em còn nhớ có lần đi bộ xuống chợ huyện, bán chè được 50.000 đồng, vừa mua đủ một cái áo. Nên khi quay về, em bị đói lả vì không có cơm ăn, nước uống… Nay, em làm nhân viên trong nhà máy với mức lương được 6 triệu đồng/tháng. Công việc của em là thu mua chè ngày từ 300-400kg/ngày và tập huấn cho bà con cách hái và nhân giống cây chè mới,” Tồng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc Shanam cho biết sau khi tham quan và đánh giá cao giá trị của cây chè Shan tuyết. Hai vợ chồng chị quyết định cắm bản và thực hiện dự án “Phục tráng và phát triển vùng chè Shan tuyết Tà Xùa,” nhằm phối hợp với đồng bảo phát triển thương hiệu chè của địa phương.

Đi sâu vào công nghệ sản xuất trà thành phẩm, theo đó những bánh trà nên mem thương hiệu Shanam đã chính “thăng hạng” cây chè Shan tuyết ngay trong thị trường nội địa. Những bánh trà “tiền triệu” đã được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng và sưu tầm. Giờ đây, trà Shanam không chỉ là thương hiệu có vị thế trong địa phương-tỉnh Sơn La, mà cả các thượng khách biết đến như một nét về “văn hóa trà.”

Bên cạnh đó, trà xanh Shanam cũng được tổ chức Tea Epicure của Mỹ xếp vào Top One-dòng trà xanh thế giới với số điểm 94/100. Đây là một tổ chức độc lập của Mỹ giới thiệu cho người tiêu dùng và yêu trà các nhà sản xuất trà uy tín của thế giới bằng cách đánh giá chất lượng khách quan các loại trà với thang điểm từ 50-100 điểm.

Lãnh đạo địa phương cũng nhận ra đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại sinh kế lâu dài cho người dân. Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc yên cho biết huyện đã có hoạt động gắn với các chương trình, các dự án hỗ trơ cho doanh nghiệp xúc tiến quảng bá sản phẩm trà Shanam.

“Công ty đã phối hợp với huyện rất tốt, dây truyền thiết bị từng bước tạo lên nhà máy và giúp cho người dân ý thức phát triển vùng nguyên liệu. Đến nay, công ty đã xây đựng được thương hiệu trà Shanam và huyện đã chuyển giao cho doanh nghiệp phát huy thương hiệu trà Tà Xùa. Đến giờ phút này, sản phẩm đã trở thành thương hiệu hàng đầu của địa phương (Sơn La) về mẫu mã, chất lượng...

Theo đó, chè xanh thu mua cho người dân đạt từ 50.000 đồng đến 130.000 đồng/kg tươi, trong khi các vùng chè khác người dân chỉ được thu mua từ 5.000 đồng-7.000 đồng/kg chè nguyên liệu. Đây là điều đáng mừng, giá trị cây chè được nâng cao giúp người dân có thu nhập cao. Trên thị trường, trà thành phẩm của Tà Xùa có loại lên đến 16 triệu/kg (mua đầu vào cho bà con 150.000/kg loại 1 tôm) và các loại trà khác phổ biến khoảng 2,5 triệu đồng/kg,” ông Kỳ trao đổi.

Ông Kỳ chia sẻ thêm hiện vùng nguyên liệu đã quy hoạch 280ha (từ năm 2014) và huyện đang phối hợp với doanh nghiệp tiếp tục khám phá các vùng chè tự nhiên, cho tiếp cận quy hoạch vùng nguyên liệu và quy hoạch sản xuất. Kế hoạch trong năm 2021, tỉnh Sơn La sẽ hỗ trợ hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng cho dự án phát triển chè đặc sản của Bắc Yên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục