LOẠT BÀI “KINH TẾ XANH - TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Bài 7: Chuyên gia quốc tế ‘hiến kế’ giúp Việt Nam thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần một bước nhảy vọt về đầu tư để kích hoạt ba yếu tố hỗ trợ chiến lược, bao gồm: Thiết kế sản phẩm, công nghệ số - đổi mới và nguồn nhân lực.

Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Theo nhận định của giới chuyên gia quốc tế, thay vì các hoạt động kinh tế tiêu thụ nhiều tài nguyên và nguy cơ ô nhiễm cao như trước đây, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cần một bước nhảy vọt về đầu tư

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 16/11, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh trên cơ sở thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể dẫn dắt cũng như định hướng con đường phát triển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo bà Ramla Khalidi, khi hướng tới Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, UNDP tin rằng việc xây dựng một thế giới bền vững, ít carbon, toàn diện và thịnh vượng vào năm 2030 không chỉ khả thi mà còn cần thiết. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một bước nhảy vọt về đầu tư để kích hoạt ba yếu tố hỗ trợ chiến lược, bao gồm: Thiết kế sản phẩm, công nghệ số - đổi mới và nguồn nhân lực.

Thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay cho thấy khoảng 80% tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm và nền kinh tế tuần hoàn yêu cầu đưa khái niệm “thiết kế” vào cốt lõi.

Vì vậy, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bao gồm các sản phẩm ưu tiên như bao bì, nhựa, dệt may và điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn; cùng với các chính sách về “mua sắm công xanh” nhằm thúc đẩy sức mua của chính quyền địa phương và trung ương.

Yếu tố hỗ trợ thứ hai là sử dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới. Công nghệ kỹ thuật số không chỉ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp tuần hoàn để phát triển (như hệ thống chia sẻ và tái sử dụng, tìm nguồn cung ứng tái chế hiệu quả hơn và quản lý chuỗi giá trị thông minh), mà còn thu hút tài chính dưới các hình thức ODA, vốn đầu tư hoặc quan hệ đối tác công tư.

“Trong lĩnh vực này, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến,” bà Ramla Khalidi nói.

vnp_ba Ramla Khalidi.jfif
Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp đó là chuyển đổi tuần hoàn. Theo bà Ramla Khalidi, chuyển đổi tuần hoàn là phương tiện đầy hứa hẹn để nâng cao nguồn nhân lực, tái cơ cấu thị trường lao động theo hướng giảm thiểu lực lượng lao động chi phí thấp, tay nghề thấp. Các ngành công nghiệp tuần hoàn có thể tạo ra việc làm bền vững bằng cách thúc đẩy đổi mới, tăng khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo có chất lượng, để đảm bảo rằng người lao động được bảo vệ khỏi các rủi ro bao gồm điều kiện làm việc độc hại và mất việc làm.

Quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam

Đề cập đến những thách thức về ô nhiễm chất thải nhựa hiện nay, ông Christian Kaufholz - Giám đốc Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP), cho hay trong vòng 30 năm qua, Việt Nam có sự phát triển kinh tế rất mạnh mẽ. Tuy vậy, sự gia tăng đáng kể về tiêu dùng cũng khiến rác thải nhựa gia tăng, với 3,7 triệu tấn nhựa sau tiêu dùng mỗi năm.

Vì thế, năm 2020, Việt Nam đã tham gia vào GPAP. Chương trình đối tác toàn cầu về nhựa (NPAP) tại Việt Nam có hơn 200 tổ chức đối tác tham gia từ cơ quan chính phủ đến khu vực tư nhân. Trên cơ sở đó, NPAP đã đưa ra lộ trình thực hiện chương trình hành động quốc gia xử lý nhựa của Việt Nam, thúc đẩy các nguồn lực thực hiện mục tiêu này.

“Tôi mong muốn Việt Nam và các bên liên quan sẽ có những hoạt động đầu tư chiến lược, hiện thực hóa nhanh chóng chương trình chống ô nhiễm nhựa trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò dẫn dắt và cam kết hành động cho các quốc gia khác noi theo. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này,” ông Christian Kaufholz nhấn mạnh.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG - ông Roongrote Rangsiyopash cho hay với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, SCG tin rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng chiến lược ESG (các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai trong thực tiễn thông qua cách tiếp cận môi trường - xã hội - quản trị) trong hoạt động kinh doanh của họ, để tuân thủ theo định hướng mới và cùng nhau nỗ lực vì một mục tiêu chung.

“Để thúc đẩy hơn nữa các tác động của kinh tế tuần hoàn và tiến trình thực hiện, cần có sự hợp tác liên ngành nhằm đạt được những kết quả lớn hơn. Chúng tôi mong chờ được cộng tác với các đối tác tại Việt Nam để áp dụng và thực hành các nguyên tắc ESG, từ đó thúc đẩy thực hiện kinh tế toàn hoàn,” ông Roongrote Rangsiyopash nói.

ong Dominic Scriven.jpg
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ góc độ định chế tài chính đầu tư lâu năm trên thị trường, Chủ tịch Quỹ Dragon Capital (DC) - ông Dominic Scriven cho rằng thông điệp giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế cần được thể hiện trong mỗi mặt hoạt động của hệ thống tài chính.

Do vậy, ngành tài chính cần tuân thủ quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn, quản trị rủi ro cho hoạt động kinh doanh và chớp thời cơ đầu tư vào các lĩnh vực có cơ hội bứt phá. Trong mảng hoạt động của mình, DC tập trung vào quản trị rủi ro và cơ hội đầu tư và đưa định nghĩa kinh tế tuần hoàn trong hoạt động cơ bản nhất của mình.

Tại Việt Nam, DC đang phối hợp với Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nghiên cứu tín chỉ đa dạng sinh học. Người mua tiềm năng này chính là ngành du lịch và du khách; các tổ chức phát triển dự án công và tư có tác động làm mất mát đa dạng sinh học; các doanh nghiệp cam kết bảo vệ đa dạng sinh học; các nhà đầu tư tác động tới môi trường.

“Hiện nay đã có khoảng 100 quốc gia nghiên cứu xây dựng tín chỉ đa dạng sinh học, làm công cụ huy động tài chính hỗ trợ công tác bảo vệ đa dạng sinh học. Hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam, nhất là các khu vực còn diện tích rừng tự nhiên rộng lớn,” Dominic Scriven chia sẻ./.

Vietnam+

Tin cùng chuyên mục